Người bán một triệu chai muối chanh ớt
KIÊN CHINH
07:44 27/05/2014
Đằng sau câu chuyện ngon lành này, là một hành trình miệt mài của một doanh nhân “cày cuốc” miệt mài. Anh là Trần Đăng Khoa của thương hiệu Dasavi.
Chia sẻ
Người bán một triệu chai muối chanh ớt
Ớt là một mảng nhỏ trong thế giới gia vị, nhưng đang là mặt hàng có nhiều câu chuyện sống còn. Đã có lúc 50 thương nhân Trung Quốc lùng sục khắp huyện Thanh Bình, Đồng Tháp kêu gọi trồng ớt Demol. Lúc hút hàng, một ngày họ kéo giá lên 2 – 3 lần, hàng nhiều giá rớt, để lại bao nhiêu nỗi đau.
Cái món muối chanh ớt xanh xanh pha sẵn kiểu Nha Trang, cay cay, chua chua, nồng nồng, sền sệt đang rất ăn nên làm ra ở thị trường thực phẩm cả nước. Nhưng đằng sau câu chuyện ngon lành này, là một hành trình miệt mài của một doanh nhân “cày cuốc” miệt mài. Anh là Trần Đăng Khoa của thương hiệu Dasavi.
Vì sao anh chọn làm muối chanh ớt?
Tôi thành lập công ty vào ngày 28.10.2008, với ý tưởng là chuyên phân phối đặc sản các vùng trên cả nước, cho nên tôi đăng ký nhãn hiệu là Dasavi nghĩa là Đặc sản Việt. Tôi từng phân phối mắm tôm chua Gò Công, lạp xưởng tươi Cần Giuộc, và trong quá trình chào hàng tại chợ Đầm – Nha Trang, tôi thấy muối chanh ớt, nước chấm hải sản rất ngon, vào mùa du lịch bán rất chạy, khách du lịch Sài Gòn và các tỉnh/thành khác rất thích. Tôi thấy tiềm năng nên quyết định sản xuất với suy nghĩ là sẽ phân phối rộng khắp cả nước qua kênh siêu thị và hệ thống chợ.
Anh đã làm điều ấy như thế nào?
- Tôi bắt đầu sản xuất muối chanh ớt vào khoảng tháng 9.2009, việc sản xuất ban đầu rất khó khăn do thiếu vốn và chưa nắm bắt được quy trình công nghệ. Cho nên sản xuất hoàn toàn thủ công, sử dụng máy sinh tố để xay, số lượng ít, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, bị phân lớp, lắng đường, muối, bột ngọt dưới đáy, hàng giao cho khách bị trả về. Có ngày hai vợ chồng tôi và mẹ tôi súc đổ hàng trăm chai bị lắng.
Qua thời gian làm thực tế, cũng tìm ra công thức chế biến riêng, ổn định và được thị trường chấp nhận. Nhân viên không có, chỉ có hai vợ chồng và mẹ tôi phụ làm. Chúng tôi kiêm sản xuất, chào hàng và giao hàng.
Tăng thêm giá trị cho trái ớt bằng cách chế biến thành một loại gia vị riêng. Ảnh: TL
Tăng thêm giá trị cho trái ớt bằng cách chế biến thành một loại gia vị riêng. Ảnh: TL
Từ năm 2009 – 2011, việc kinh doanh vẫn còn lỗ, tổng lỗ ba năm khoảng 500 triệu đồng, tuy nhiên người tiêu dùng là khách du lịch bắt đầu làm quen và sử dụng muối chanh ớt. Cho nên vào khoảng cuối năm 2011 khi phân phối được tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opfood, người tiêu dùng thành phố ủng hộ. Sau đó thì bán được nhiều. Rất tự hào là muối chanh ớt cũng đã bắt đầu xuất khẩu qua Hong Kong, Úc, Canada, và một vài đối tác tại Nhật, Trung Quốc đang thăm dò thị trường.
Anh thuyết phục người tiêu dùng như thế nào về sản phẩm?
Tôi rất tâm đắc câu nói của ông Heinz, người sáng lập tập đoàn thực phẩm toàn cầu Heinz: “Do a common thing uncommon well”, nghĩa là “Làm một điều gì đó bình thường một cách xuất chúng”; và ông Matsushita, người sáng lập công ty Masushita tiền thân của tập đoàn điện tử Panasonic: “Hãy đặt cả tấm lòng mình vào sản phẩm”; và theo triết lý “Hữu xạ tự nhiên hương” hãy để người tiêu dùng cảm nhận và nói về chất lượng sản phẩm của mình. Tôi luôn nhắc nhở mình phải luôn làm ra những chai muối chanh ớt tuyệt hảo, không chỉ ngon mà còn đẹp, để người tiêu dùng không thể chê được.
Năm 2013 bán 500.000 chai 260g, năm 2014 kế hoạch 1 triệu chai. Anh nghĩ mình bán hết không?
- Trước muối ớt, tôi từng làm bánh với tham vọng xây dựng hệ thống bánh chiên như bánh rán Donut của Mỹ; mở cửa hàng sữa đậu nành tươi Soysop theo mô hình chuỗi đồng nhất; phân phối mắm tôm chua Gò Công; lạp xưởng tươi Cần Giuộc; sản xuất nước màu dừa, tuy nhiên đều không thành công. Có thất bại thì mình mới khôn ra, mới tính toán được công chuyện. Đã nửa năm trôi qua và tôi vẫn tin vào con số 1 triệu chai muối ớt của mình trong năm nay.