Rừng ngập mặn là quần xã được hợp thành từ thực vật ngập mặn ảnh hưởng bởi nước triều ven biển nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Nằm trong mối tương tác giữa đất liền và biển, rừng ngập mặn trở thành hệ sinh thái đặc biệt và giá trị về khả năng thích nghi.
Môi trường sinh thái của rừng ngập mặn là chuyển tiếp giữa đất liền và biển. Vì vậy, sự tồn tại, phân bố, phát triển và tổ hợp loài của rừng ngập mặn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố sinh thái khác nhau. Mức độ đa dạng sinh học của rừng ngập mặn được cho là có liên quan đến các nhân tố sinh thái như lượng mưa, nhiệt độ, gió, biên độ thủy triều,... Sự kết hợp của các nhân tố sinh thái này tạo nên mức độ đa dạng sinh học cao cho hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đặc biệt, chúng ảnh hưởng rõ nét đến sự phân bổ của các loài động thực vật cư trú tại rừng ngập mặn.
Rừng ngập mặn có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng sinh học cao. Đầu tiên phải nhắc đến hệ thực vật. Chẳng hạn như ở khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2010) ghi nhận 296 loài thực vật. Trong đó, có 5 loài nằm trong danh mục các loài nguy cấp của Sách Đỏ Việt Nam (Cóc đỏ, Chiếc bàng, Chùm lé, Chân danh Trung Quốc và Gội mum).
Đặc biệt, hệ thực vật rừng ngập mặn được cho là có vai trò quan trọng trong việc lưu trữ carbon. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận khả năng cô lập carbon trong thân, lá, rễ của các loài thực vật rừng ngập mặn.
Không chỉ thực vật, rừng ngập mặn còn có mức độ đa dạng cao về hệ động vật. Rừng ngập mặn được xem là một môi trường sống quan trọng của các loài sinh vật biển. Hệ sinh thái này là nơi sinh sản và nuôi dưỡng của không chỉ các loài hải sản, mà còn nhiều loài động vật trên cạn như chim, thú, bò sát, lưỡng cư,... Các loài động vật phổ biến trong rừng ngập mặn có thể kể đến như hải sản, chim nước, chim di cư, khỉ, lợn rừng, kỳ đà, trăn, chồn,...
Tuy nhiên, các tác động tiêu cực đang làm suy giảm đáng kể mức độ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Sự phá hủy của con người như phá rừng lấy củi, nuôi hải sản không bền vững,..; các hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu,...; biến đổi khí hậu dẫn tới các sự kiện thời tiết cực đoan như nước biển dâng, bão lũ,... đang là những yếu tố hàng đầu gây đe dọa trầm trọng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn. Suy thoái rừng ngập mặn dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực về môi trường. Đặc biệt, ở khía cạnh đa dạng sinh học, mất đi rừng ngập mặn đồng nghĩa với việc mất đi môi trường sống quan trọng của nhiều loài sinh vật biển. Thậm chí, lâu dài có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật quý hiếm mang tính đặc trưng của hệ sinh thái này.
Chính vì vậy, cần có những biện pháp để bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục về đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn đến cộng đồng là một trong những bước đi đầu tiên và quan trọng. Từ nhận thức đến hành động thiết thực để chung tay góp phần bảo tồn hệ sinh thái đặc biệt này.