Hiện nay, chưa có khái niệm chính thức về nhựa sinh học (Bioplastics), nhưng theo định nghĩa của Hiệp hội nhựa sinh học châu Âu (European Bioplastics), nhựa sinh học là một nhóm vật liệu khác nhau được chia làm 3 nhóm chính: (1) Nhựa có nguồn gốc sinh học (Bio-based plastic), (2) Nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable plastic), (3) Nhựa có nguồn gốc sinh học và phân hủy sinh học (Bio-based and biodegradable plastic).
Nhựa có nguồn gốc sinh học (Bio-based plastic)
Nhựa có nguồn gốc sinh học là loại nhựa được làm từ những vật liệu hoặc sản phẩm có nguồn gốc (hoặc ít nhất một phần) từ sinh khối, tức là vật liệu có nguồn gốc sinh học như từ ngô, mía hoặc cellulose. Nguyên liệu thô để sản xuất “Bio-based plastic” cũng có thể có nguồn gốc từ bất kì dạng chất thải hữu cơ nào. Nhựa có nguồn gốc sinh học có thể làm giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch đang ngày càng khan hiếm.
Thông qua quá trình lên men thành ethanol sinh học, sau đó tổng hợp thành ethylene, nhựa có nguồn gốc sinh học sẽ có những đặc tính giống hệt nhựa truyền thống.
Dù có nguồn gốc sinh học, nhưng Bio-based plastic không có khả năng phân hủy sinh học, mà chỉ có thể phân hủy. Loại nhựa này thường được tạo thành các sản phẩm ứng dụng có tuổi thọ dài, như phụ tùng ô tô.
Một số loại nhựa có nguồn gốc sinh học phổ biến trên thị trường hiện nay, bao gồm Bio-PP, Bio-PE, Bio-PET, Bio-PA, Bio-PTT,…
Nhựa có khả năng phân hủy sinh học (Biodegradable plastic)
Biodegradable plastic là nhựa có tính phân hủy sinh học, nhưng lại có nguồn gốc hóa thạch.
Nguồn nguyên liệu thường được sử dụng là các alcohol được tổng hợp từ các hóa chất có nguồn gốc hóa thạch.
Một số loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học phổ biến trên thị trường hiện nay, bao gồm: PBAT, PCL, PBS và PEF.
Nhựa có nguồn gốc sinh học và có thể phân hủy sinh học (Bio-based and biodegradable plastic)
Đây là loại nhựa vừa có nguồn gốc sinh học, vừa có khả năng phân hủy sinh học.
Phân hủy sinh học là một quá trình hóa học, trong đó các vi sinh vật có sẵn trong môi trường chuyển đổi vật liệu thành các chất tự nhiên như nước, CO2 và phân hữu cơ. Nhựa phân hủy sinh học được thiết kế để phân hủy thành các vật liệu tự nhiên. Chúng thường được tạo thành các sản phẩm ứng dụng yêu cầu tuổi thọ ngắn, như bao bì và các sản phẩm dùng một lần.
Một số loại nhựa có nguồn gốc sinh học và có thể phân hủy sinh học phổ biến trên thị trường hiện nay: PHA, PLA, PBS, TPS.
Ba nhóm nhựa trên dù có những khác biệt nhất định, tuy nhiên chúng đều có một số điểm chung nhất định như có nguồn gốc sinh học hoặc có khả năng phân hủy sinh học. Vì vậy, chúng được xếp vào nhựa sinh học (Bio-plastic) theo Hiệp hội nhựa châu Âu (European Bioplastics). Mỗi loại nhựa có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp và phát huy được ưu điểm của chúng trong các ứng dụng tương ứng.