Nhựa sinh học đang ngày trở nên phổ biến và mang tới tiềm năng lớn trong việc từng bước thay thế cho nhựa tổng hợp trong hầu hết các ứng dụng của đời sống. Việc ứng dụng nhựa sinh học mang tới sự tiếp cận bền vững cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Ứng dụng phổ biến:
Bao bì nhựa:
Ứng dụng bao bì là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của nhựa sinh học (chiếm 40% tổng thị trường nhựa sinh học vào năm 2016, theo số liệu của Hiệp hội Nhựa sinh học Châu Âu). Nhựa sinh học cung cấp một giải pháp thay thế bền vững cho bao bì nhựa tổng hợp. Chúng mang tới ưu thế trong nguồn nguyên liệu tái tạo và khả năng phân hủy sinh học.
Việc ứng dụng nhựa sinh học làm bao bì thực phẩm có thể có nhiều hình thức khác nhau như cốc, lọ, chai, khay, màng bọc,… Chúng hầu hết là những sản phẩm nhựa một lần.
Dịch vụ ăn uống:
Nhựa sinh học được ứng dụng trong các sản phẩm dịch vụ ăn uống như cốc, đĩa, hộp một lần,... Mặc dù được ứng dụng khá phổ biến trong các sản phẩm một lần, tuy nhiên chúng cho thấy ưu thế trong việc giảm tác động đến môi trường so với nhựa tổng hợp bởi nguồn gốc sinh học và đặc tính phân hủy sinh học.
Thiết bị y tế:
Y sinh là lĩnh vực ứng dụng nhựa sinh học phổ biến thứ hai, sau bao bì. Những đổi mới của ứng dụng nhựa sinh học trong lĩnh vực y sinh bao gồm các thiết bị cấy ghép bên trong cơ thể. Chúng có thể bao gồm từ chỉ khâu cho đến ghim để giữ xương.
PLA và PHA là hai loại nhựa sinh học được ứng dụng nhiều nhất trong việc chế tạo các thiết bị y tế nhờ có tính tương thích sinh học và khả năng phân hủy sinh học vô hại.
Thiết bị điện tử:
Nhựa sinh học mang tới cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử chuyển đổi các sản phẩm thiết bị điện từ làm từ nhựa hóa dầu sang nhựa sinh học.
Các thiết bị điện tử làm từ nhựa giúp giữ cho chúng nhẹ và bền. Có rất nhiều cơ hội để ứng dụng nhựa sinh học chế tạo các thiết bị điện tử như vỏ máy tính màn hình cảm ứng, bàn phím, loa, tai nghe, vỏ điện thoại di động, máy chơi game,…
Các thiết bị điện tử phức tạp hơn nhiều loại ứng dụng nhựa khác như bao bì. Nhựa sinh học có nguồn gốc thực vật thường được xử lý nhiệt độ thấp hơn, khả năng chịu nhiệt kém. Công nghệ mới đã tạo ra tiến bộ giúp cải thiện khả năng chịu nhiệt của nhựa sinh học, giúp chúng trở thành giải pháp thay thế phù hợp cho nhiều linh kiện điện tử.
Nông nghiệp:
Nhựa sinh học đang được ứng dụng ngày càng phổ biến để làm lớp phủ nông nghiệp. Chúng giúp tiết kiệm nước, thuốc trừ sâu và giải quyết vấn đề các hạt vi nhựa trong đất.
Nhựa sinh học còn được sử dụng trong các ứng dụng khác của nông nghiệp như chậu trồng cây, khay gieo hạt, lưới có khả năng phân hủy sinh học, phân bón giải phóng chậm chất dinh dưỡng,...
Việc sử dụng nhựa phân hủy trong sinh học mang lợi lợi ích bền vững và an toàn. Loại vật liệu này cho thấy không gây ô nhiễm với đất và không ảnh hưởng đến động vật xung quanh.
Công nghệ ô tô:
Một số bộ phận của ô tô như đèn chiếu sáng, bảng điều khiển, thảm, dây an toàn, cần gạt nước,… được làm từ nhựa. Các bộ phận này đang dần được chuyển đổi bằng các lựa chọn bền vững hơn từ nhựa sinh học. Đặc biệt, khả năng phân hủy sinh học giúp giảm tác động đến môi trường khi các bộ phận của xe hết tuổi thọ. Ngoài ra, nhựa sinh học còn cho thấy ưu thế hơn nhựa tổng hợp ở một số đặc điểm: tính chất vật lý, thẩm mỹ, không bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu,…
In 3D:
Nhựa sinh học còn phổ biến trong các ứng dụng in 3D. Chúng dần trở thành loại vật liệu phổ biến do tính bền vững và khả năng phân hủy vô hại theo thời gian. Những đổi mới của nhựa sinh học trong ứng dụng in 3D cho phép tạo ra các sản phẩm in 3D mô phỏng tốt hơn các vật liệu. Đồng thời, công thức nhựa sinh học có thể tối ưu hóa bằng cách sử dụng các hỗn hợp và chất phụ gia khác nhau để đạt được các yêu cầu in 3D đa dạng.
Dệt may:
Vải dệt bằng nhựa sinh học mang lại giải pháp thay thế bền vững hơn so với nhựa hóa dầu. Chúng cũng mang đến một phương pháp mới để sản xuất sợi cho nhiều mục đích sử dụng. Sợi nhựa sinh học có thể kết hợp với các vật liệu tự nhiên như bông, len,… để sản xuất hàng dệt may theo yêu cầu nhất định.
Áo choàng y tế một lần làm từ PLA là một ví dụ về ứng dụng nhựa sinh học trong ngành dệt may. Những loại vải này có khả năng phẩn hủy sinh học giúp làm giảm thiểu vấn đề rác thải nhựa.
Mỹ phẩm:
Các bao bì mỹ phẩm làm từ nhựa sinh học giúp đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng về tác động môi trường đối với thương hiệu mà họ sử dụng. Các sản phẩm thay thế từ nhựa sinh học đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Trong các sản phẩm mỹ phẩm như tẩy tế bào chết có chứa các hạt vi nhựa do thường được làm bằng nhựa không phân hủy sinh học. Nhựa sinh học được xem như một lựa chọn thay thế bền vững cho các sản phẩm mỹ phẩm đó.
Ứng dụng khác:
Bên cạnh các ứng dụng phổ biến như trên, nhựa sinh học còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác như hàng không vũ trụ, thiết kế kiến trúc, xây dựng, đồ chơi,…
Nhựa sinh học đang cho thấy rất nhiều tiềm năng với tư các là một vật liệu bền vững thay thế cho nhựa tổng hợp. Trong một số lĩnh vực như y tế, nhựa sinh học mang tới những lợi ích mà nhựa tổng hợp không thể, chẳng hạn như khả năng tương thích sinh học. Các nghiên cứu về nhựa sinh học đang không ngừng phát triển để mở rộng ứng dụng và từng bước thay thế nhựa tổng hợp trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau trong tương lai.