Một trong những câu hỏi thường được quan tâm đối với các loại nhựa sinh học chính là “Cuối cùng chúng sẽ đi về đâu?”
Giống như nhựa thông thường, các lựa chọn cuối đời của nhựa sinh học phụ thuộc vào ứng dụng và cơ sở hạ tầng vốn có ở khu vực sản phẩm được thu hồi. Nhựa sinh học có thể bao gồm các đặc tính khác nhau, tùy thuộc vào mỗi loại. Giải pháp cuối đời của một loại nhựa sinh học phụ thuộc vào đặc tính của loại nhựa sinh học đó và ứng dụng mà nó được chọn. Một số lựa chọn cuối đời phổ biến của các loại nhựa sinh học bao gồm ủ phân, tái chế, phân hủy kỵ khí, tái chế hóa chất,…
Những vật liệu có cấu trúc tương tự như các polymer (VD như PET hoặc PE gốc sinh học) sẽ có khả năng thu hồi thông qua quá trình tái chế khi hết vòng đời như các vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Những sản phẩm nhựa có nguồn gốc sinh học này có thể được tái chế sau đó mà không ảnh hưởng đến chất lượng của nhựa tái chế.
Trong khi, các loại nhựa sinh học có cấu trúc hóa học mới cần được xem xét tùy trường hợp cụ thể về những lựa chọn cuối đời. Đối với những vật liệu mới có khả năng phân hủy sinh học, có thể áp dụng phương pháp tái chế mới ở giai đoạn cuối đời như thông qua quá trình ủ phân hoặc phân hủy kỵ khí.
Các loại nhựa sinh học được sản xuất có tính tới “tương lai” của chúng, sau khi vòng đời của một sản phẩm kết thúc. Một trong những tiêu chí được hướng tới là đảm bảo rằng chúng sẽ được phân hủy sinh học hoàn toàn và sẽ không độc hại đối với môi trường. Chẳng hạn như PLA trong môi trường thích hợp, chúng sẽ trở thành nguồn thức ăn cho nấm và vi sinh vật. Sau khi quá trình phân hủy sinh học hoàn tất, chỉ còn lại những chất tự nhiên và vô hại như nước, CO2 và phân hữu cơ.
Một số loại nhựa sinh học sẽ được phân hủy trong quá trình tái chế hoặc sản xuất phân trộn công nghiệp như PLA. Một số lại cho thấy tính ưu việt khi có khả năng phân hủy trong cả môi trường đại dương, chẳng hạn như PHA. PHA có thể phân hủy sinh học ngay cả trong đại dương. Chúng sẽ phân hủy thành carbon dioxide và nước khi có oxy, và thành metan trog quá trình phân hủy kị khí, tránh sự tích tụ của nhựa micro/nano.
Bên cạnh việc ủ phân, một số loại nhựa sinh học còn có khả năng tái chế cơ học và hóa học như một lựa chọn khi kết thúc vòng đời của nó, chẳng hạn như PLA. Một số khác có thể được thiết kế để đưa trở lại môi trường tự nhiên, chẳng hạn như màng phủ làm từ PHA được cày trở lại đất.
Nhựa sinh học có khả năng phân hủy sinh học và giảm thiểu việc sử dụng dầu mỏ - một tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, giải quyết đáng kể những vấn đề về tài nguyên, môi trường. Từ đó, cho thấy tiềm năng to lớn về kinh tế, xã hội và sinh thái của loại nhựa này.