CO2 được xem là một loại khí phổ biến làm tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, việc lưu trữ và cô lập carbon vào các hệ sinh thái chính là những cách hữu hiệu nhất để làm giảm lượng phát thải CO2 ra khí quyển. Cùng tìm hiểu xem một số hệ sinh thái có tiềm năng lớn trong việc thu giữ CO2 nhé!
1. Hệ sinh thái rừng tự nhiên trên cạn:
Ở trên cạn, rừng tự nhiên được xem là một hệ sinh thái có tầm quan trọng trong việc thu giữ carbon trong khí quyển. Các hệ sinh thái trên cạn thu giữ carbon trong sinh khối và trong đất.
Rừng tự nhiên không chỉ có tác dụng thu giữ carbon mà còn có tầm quan trọng trong việc giữ đất không bị xói mòn, điều hòa chu trình nước, điều hòa khí hậu,... Rừng còn là ngôi nhà của hàng trăm loài động vật hoang dã. Mất đi rừng là một tổn thất to lớn đối với môi trường sinh thái.
2. Hệ sinh thái đất ngập nước:
Hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước được đánh giá là có tiềm năng lưu trữ và cô lập carbon vượt trội so với các hệ sinh thái trên cạn. Chẳng hạn như rừng ngập mặn có tiềm năng lưu trữ CO2 gấp 3-5 lần so với rừng trưởng thành trên cạn.
Các hệ sinh thái đất ngập nước nổi bật, bao gồm rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển. Trong các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn được xem là có tiềm năng vượt trội trong việc thu giữ CO2 so với các hệ sinh thái ngập nước khác. Bên cạnh ba hệ sinh thái đất ngập nước kể trên, các vùng đất ngập nước khác cũng có tiềm năng đáng kể trong việc thu giữ CO2.
Ưu thế lưu trữ carbon của các hệ sinh thái đất ngập nước đến từ việc bên cạnh lưu trữ CO2 trong sinh khối và đất, các hệ sinh thái này còn lưu trữ carbon dưới lớp trầm tích. Không chỉ thu giữ CO2 trong khí quyển, các hệ sinh thái ngập nước còn có khả năng thu giữ CO2 trong đại dương. Đây là điều mà các hệ sinh thái trên cạn không thực hiện được.
3. Hệ sinh thái nông nghiệp tái tạo:
Mặc dù nông nghiệp được xem là một trong những hoạt động gây tổn hại nhiều nhất đến môi trường. Tuy nhiên, các phương thức và kĩ thuật canh tác đặc thù của nông nghiệp tái tạo có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho môi trường. Giữ đất không cày xới, trồng cây che phủ, luân canh cây trồng đa dạng, chăn thả tái sinh,... là những kĩ thuật nông nghiệp tái tạo được ghi nhận là có tiềm năng lớn trong việc thu giữ carbon. Chẳng hạn, giữ đất không cày xới không chỉ lưu trữ carbon vào đất, mà còn không phát thải trở lại môi trường lượng carbon vốn đã được lưu trữ ở đó.
Các hệ sinh thái tự nhiên như rừng (trên cạn), đất ngập nước (ở đại dương) cùng với các hệ sinh thái nông nghiệp như nông nghiệp tái tạo đều có tiềm năng nhất định trong việc thu giữ khí CO2. Phục hồi, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái này chính là tầm nhìn xa trong bức tranh toàn cảnh về việc giảm thiểu lượng carbon, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.