Hotline : 02583 978585

HỆ SINH THÁI BIỂN - BLUE CARBON

Friday, 04/08/2023, 01:12 GMT+7

Các hệ sinh thái biển được ghi nhận là mang lại nhiều lợi ích trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu dọc bờ biển trên toàn cầu, bao gồm việc bảo vệ khỏi bão lũ, nước biển dâng; ngăn ngừa xói lở bờ biển; điều tiết chất lượng nước ven biển; cung cấp môi trường sống cho các loài sinh vật biển và an ninh lương thực cho nhiều cộng đồng ven biển. Đặc biệt, các hệ sinh thái này được công nhận về vai trò trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc cô lập và lưu trữ một lượng carbon khổng lổ ven biển từ khí quyển và đại dương.

Blue carbon (cacbon xanh) là một thuật ngữ dùng để chỉ “dòng cacbon được điều khiển bằng phương pháp sinh học và lưu trữ trong các hệ thống biển có thể quản lý được”.

Các hoạt động của con người thải ra một lượng khí carbon dioxide (CO2) lớn. Lượng khí thải này thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu. Một tin tốt là các hệ sinh thái biển mang đến một giải pháp tự nhiên trong việc làm giảm tác động của khí nhà kính, thông qua việc cô lập hoặc hấp thụ lượng carbon này.

Rừng ngập mặn, đồng cỏ biển và đầm thủy triều là các hệ sinh thái carbon xanh. Mặc dù, chỉ chiếm diện tích nhỏ so với các loại rừng khác trên thế giới nhưng các hệ sinh thái biển có khả năng cô lập một lượng carbon lớn từ khí quyển và đại dương với tốc độ cao hơn đáng kể trên mỗi diện tích so với rừng trên cạn. Chúng hoạt động như một bể chứa carbon khổng lồ, thông qua việc thu giữ và hấp thụ loại khí thải này trong sinh khối của thực vật trên mặt đất (thân cây, cành, lá) và dưới mặt đất (hệ thống rễ).

Rừng ngập mặn được xem là một trong những loại rừng thu giữ nhiều carbon nhất ở vùng nhiệt đới. Người ta ước tính rằng hệ sinh thái này có tốc độ hấp thụ carbon trung bình hằng năm từ 6 - 8 Mg CO2 e/ha (tấn CO2 tương đương trên 1 ha). Tỉ lệ này lớn hơn khoảng 2 - 4 lần so với tỉ lệ được quan sát ở các khu rừng nhiệt đới trưởng thành.

Mặc dù, mang lại tác động lớn trong việc chống lại biến đổi khí hậu, tuy nhiên các hệ sinh thái carbon xanh ven biển được xem là một trong những hệ sinh thái đang bị đe dọa nhất trên Trái Đất. Nguyên nhân đến từ hoạt động hủy hoại hệ sinh thái biển như xây dựng ao nuôi trồng thủy sản và các hình thức phát triển ven biển không bền vững khác. Trong 50 năm qua, khoảng 30 - 50% rừng ngập mặn đã biến mất trên toàn cầu. Và chúng tiếp tục biến mất với tốc độ 2% mỗi năm. Ước tính rằng khoảng 340.000 - 980.000 ha bị phá hủy mỗi năm; lên tới 67%, với ít nhất là 35% diện tích của đầm thủy triểu và ít nhất 29% diện tích đồng cỏ biển trên thế giới đã bị biến mất. Nếu xu hướng này tiếp tục với tốc độ hiện tại, gần như tất cả rừng ngập mặn và thêm 30 - 40% đầm lầm thủy triều và cỏ biển không được bảo vệ có thể bị mất trong 100 năm tới.

  Điều đáng lo ngại hơn là khi các hệ thống carbon xanh này bị phá hủy, một lượng carbon khổng lồ sẽ được thải ra trở lại bầu khí quyển. Các chuyên gia ước tính rằng lượng khí thải do suy thoái rừng ngập mặn có thể lên tới 10% tổng lượng khí thải do mất rừng trên toàn cầu, dù hệ sinh thái này chỉ chiếm 0.7% diện tích rừng nhiệt đới. Đó quả là một viễn cảnh đáng sợ về bức tranh biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, các dự án và chiến dịch nhằm bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái biển đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm giảm biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng một cơ quan, tổ chức nào mà đòi hỏi sự chung tay của toàn nhân loại. Hành động để bảo vệ các hệ sinh thái carbon xanh và cũng chính là hành động bảo vệ hành tinh này.