Hotline : 02583 978585

MANGROVE DAY - NGÀY QUỐC TẾ BẢO TỒN HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN

Tuesday, 01/08/2023, 23:20 GMT+7

Ngày Quốc tế Bảo tồn Hệ sinh thái Rừng ngập mặn được thông qua tại Đại hội đồng của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) vào năm 2015.

Ngày Quốc tế này được tổ chức vào ngày 26 tháng 07 hằng năm, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn với tư cách là “một hệ sinh thái độc đáo, đặc biệt và dễ bị tổn thương” và thúc đẩy các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái này.

Rừng ngập mặn được xem là một hệ sinh thái độc đáo, đặc biệt và phong phú trên ranh giới giữa đất liền và biển. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng góp vào phúc lợi, an ninh lương thực và bảo vệ các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, hệ sinh thái này góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn và bền vững cho các loài cá và động vật giác xác. Đặc biệt, rừng ngập mặn còn cho thấy hiệu quả trong việc giảm khí thải, khi được ghi nhận như một bể chứa carbon khổng lồ, có khả năng cô lập và hấp thụ một lượng lớn carbon. Ngoài ra, hệ sinh thái này còn đóng vai trò như một hàng rào tự nhiên ven biển chống lại những thảm họa tự nhiên như bão lũ, sóng thần, nước biển dâng cao và xói mòn.

Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ lớn. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn ba phần tư rừng ngập mặn trên thế giới có nguy cơ biến mất, kéo theo đó là tất cả các loài sinh vật sống dưới nước và trên cạn phụ thuộc vào chúng cũng bị đe dọa. Hành động để bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn không phải là trách nhiệm của riêng một cơ quan, tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của toàn nhân loại. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chung tay, góp sức để hưởng ứng hành động bảo vệ hệ sinh thái có ý nghĩa quan trọng bậc nhất này.

 

Một Số Sự Thật Đáng Kinh Ngạc Về Rừng Ngập Mặn Có Thể Bạn Chưa Biết

- Hóa thạch đầu tiên của cây đước có từ 75 triệu năm trước (Theo nationaltoday.com).

- Rừng ngập mặn được tìm thấy ở 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chúng chiếm chưa tới 1% rừng nhiệt đới trên thế giới và chưa tới 0.4 % tổng diện tích rừng toàn cầu (Theo Unesco).

- Một ha rừng ngập mặn có thể lưu trữ 3754 tấn cacbon, tương đương với việc loại bỏ hơn 2650 ô tô trên đường trong một năm (Theo Unesco).

- Các khu rừng ngập mặn ven biển loại bỏ lượng khí carbon dioxide (CO2) trong khí quyển nhiều gấp 5 lần so với các khu rừng trên cạn (Theo nationaltoday.com).

- Dải rừng ngập mặn dài 500m giúp giảm chiều cao sóng thần từ 50 - 99% (Theo Unesco).

- Năm 2004, trận lũ lụt thảm khốc làm rung chuyển nhiều quốc gia không thể chạm đến một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ nhờ được rừng ven biển che chở (Theo nationaltoday.com).

- Các chuyên gia đáng ước tính rằng lượng khí thải cacbon từ việc phá hủy rừng ngập mặn chiếm tới 10% lượng khí thải từ nạn phá rừng trên toàn cầu, mặc dù chỉ chiếm 0.7% diện tích đất (Theo Unesco).