Hotline : 02583 978585

MÔ HÌNH DƯỢC LIỆU DƯỚI TÁN RỪNG - HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ MỚI VÀ BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN VEN RỪNG

Thursday, 03/08/2023, 12:14 GMT+7

Sự khác biệt về khí hậu và địa hình trải dài từ Bắc vào Nam đã tạo nên nhiều loại rừng đa dạng ở nước ta như rừng gỗ lá rộng thường xanh, rừng gỗ lá rộng rụng lá, rừng gỗ lá kim, rừng tre nứa, rừng hỗn giao gỗ - tre - nứa,... Điều này cũng tạo ra một môi trường tiềm năng để phát triển các loài thực vật, đặc biệt là các loài dược liệu dưới tán rừng.

Mô hình dược liệu dưới tán rừng được đánh giá là một hướng đi mới để khai thác tài nguyên rừng một cách bền vững, một giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao giá trị kinh tế cho người dân sống gần rừng.

Theo số liệu mới đây từ Hội thảo “Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng”, nhu cầu sử dụng cây dược liệu ở nước ta hiện nay ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng từ trồng và khai thác trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30%, còn lại là nhập khẩu. Chính vì vậy, mở ra cơ hội rất lớn để sản xuất và đáp ứng nhu cầu dược liệu trong nước thông qua“mô hình dược liệu dưới tán rừng” ở nước ta. 

Rừng tự nhiên và rừng trồng ở Việt Nam có diện tích đáng kể. Dưới tán rừng là môi trường lí tưởng cho nhiều loại dược liệu tự nhiên sinh trưởng và phát triển. Rừng Việt Nam có nhiều loài dược liệu đa dạng mọc tự nhiên như nấm lim xanh, sáo tam phân, thổ phục linh, giảo cổ lam, kim hoa trà, sâm bố chính, lan kim tuyến, cát sâm, đẳng sâm, sa nhân, mật nhân,... Với lợi thế về môi trường và tiềm năng lớn về kinh tế, việc triển khai và nhân rộng các mô hình dược liệu dưới tán rừng là hoàn toàn khả thi, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới và đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội cho người dân sống gần rừng. Các sản phẩm dược liệu không chỉ hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn có thể mở ra cơ hội hướng đến xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng lớn của trồng dược liệu dưới tán rừng, mô hình này cũng ẩn chứa một số vấn đề cần phải đối diện để có thể có một chiến lược phát triển bền vững.

Mô hình vườn rừng không dễ dàng để phát triển một cách tự phát mà cần một quá trình nghiên cứu và đầu tư một cách có chiến lược. Đặc biệt là trong việc xây dựng quy trình kĩ thuật trồng các loài cây dược liệu, cũng như việc áp dụng các kĩ thuật này theo hướng thương mại. Điều này gắn liền với việc tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các cơ chế chính sách đảm bảo sự ổn định, xuyên suốt và thống nhất trong các khâu “Trồng, chăm sóc - Khai thác - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm”. Để triển khai và nhân rộng, mô hình này cần có mối liên hệ giữa chính quyền và người dân địa phương.

Trồng dược liệu dưới tán rừng là một mô hình mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân bản địa. Đặc biệt, mô hình này gắn liền với việc bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học rừng. Chính vì vậy, mô hình này cần được triển khai và nhân rộng nhiều hơn nữa đến cộng đồng.