Nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học (bio-based plastic) là một nhóm phổ biến trong nhựa sinh học, bên cạnh nhựa có khả năng phân hủy sinh học và nhựa vừa có nguồn gốc sinh học vừa có khả năng phân hủy sinh học. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh loại nhựa này. Bên cạnh những ưu điểm đã được công nhận của loại nhựa sinh học này, chúng cũng gây ra nhiều tranh luận.
Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin tổng hợp về loại nhựa sinh học này, có thể bạn chưa biết và sẽ hữu ích với bạn.
1. Không có sự gia tăng thực sự về lượng khí CO2 từ các vật liệu nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học khi chúng phân hủy. Bởi vì chúng chỉ đơn giản là trả lại lượng carbon mà chúng đã hút trong quá trình sinh trưởng.
2. Bên cạnh nguyên liệu thô từ cây trồng nông nghiệp. Nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học còn có thể được tạo ra từ các phụ phẩm nông nghiệp (như rơm rạ), chất thải thực vật (bã cà phê, hạt bơ,…) và tảo.
3. Nhựa sinh học có nguồn gốc từ thực vật có thể hỗ trợ phát triển nền kinh tế nông thôn.
4. Hiện nay nhiều công ty hàng đầu thế giới như Coca-cola, Danone, Ford Motor Company, HJ Heinz, Nike, P&G, Unilever và các công ty khác đã thành lập Liên minh Nguyên liệu Nhựa sinh học (BFA) để giải quyết nguồn nguyên liệu tiềm năng cho nhựa có nguồn gốc sinh học.
5. Nhựa có nguồn gốc sinh học được cho là không chứa chất gây rối loạn nội tiết tố biphenol A (BPA).
6. Việc trồng cây để làm nguyên liệu thô để sản xuất nhựa sinh học có thể gây ra ô nhiễm (theo một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Pittsburgh).
7. Hóa chất để canh tác cây trồng làm nguyên liệu thô cho nhựa sinh học và nguy cơ nạn phá rừng để mở rộng diện tích canh tác được cho là một số lo ngại khi sản xuất nhựa sinh học từ cây trồng. Trong khi, đối diện với những lời cáo buộc rằng nhựa sinh học có thể chuyển đất đai khỏi việc trồng lương thực, một số người dẫn ra rằng Liên minh Nguyên liệu nhựa sinh học của Quỹ động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund’s Bioplastic Feedstock Alliance) đảm bảo cây trồng được phát triển bền vững.
8. Một số doanh nghiệp sản xuất nhựa sinh học truyền thông rằng nhựa sinh học có thể phân hủy sinh học, mà không đưa ra chính xác những điều kiện cụ thể và thời gian. Trong khi trên thực tế, nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học đòi hỏi một số điều kiện nhất định (nhiệt độ, áp suất,…) ở các cơ sở ủ phân công nghiệp để quá trình phân hủy diễn ra. Nếu quá trình đó không được diễn ra, dù ở bãi chôn lấp, nhựa sinh học cũng sẽ không thể tự phân hủy trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu trôi vào môi trường biển, chúng sẽ hoạt động tương tự như nhựa làm từ dầu mỏ, vỡ thành những mảnh có kích thước siêu nhỏ, tồn tại trong nhiều thập kỷ và gây ra nguy hiểm cho sinh vật biển.
9. Một số nhà môi trường lo ngại rằng việc thiếu hụt các địa điểm ủ phân công nghiệp sẽ khiến nhựa sinh học không tỏ ra hiệu quả mấy trong việc hạn chế lượng rác thải nhựa vào đường thủy.