Hotline : 02583 978585

NHỰA PHÂN HỦY SINH HỌC (BIODEGRADABLE PLASTIC)

Wednesday, 20/12/2023, 10:28 GMT+7

Nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable plastic) là gì?

Nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable plastic), cùng với nhựa có nguồn gốc sinh học (Bio-based plastic) và nhựa vừa có nguồn gốc sinh học vừa phân hủy sinh học (Bio-based and biodegradable plastic) là ba nhóm nhựa sinh học phổ biến theo phân loại của Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu (European Bioplastics).

Nhựa phân hủy sinh học là loại nhựa có thể bị phân hủy bởi tác động của các sinh vật sống, thường là vi khuẩn thành nước, carbon dioxide và sinh khối.

Loại nhựa này có đặc tính phân hủy sinh học nhưng lại có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch. Một số loại nhựa thuộc nhóm này như PBAT, PCL, PBS, PEF,…

Nhiều người thường sử dụng thay thế các cụm từ “nhựa sinh học” (Bioplastic) với “nhựa phân hủy sinh học” (Biodegradable plastic). Tuy nhiên, trên thực tế, nhựa phân hủy sinh học chỉ là một nhánh của nhựa sinh học. Sự thật là không phải mọi loại nhựa sinh học (có nguồn gốc một phần hoặc toàn phần từ sinh khối) đều có khả năng phân hủy sinh học. Cũng như, không phải mọi loại nhựa phân hủy sinh học đều có nguồn gốc từ sinh học. Một số loại nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn lại có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Cũng cần phân biệt nhựa có khả năng phân hủy sinh học (Biodegradable plastic) với các loại nhựa vừa có khả năng phân hủy sinh học, vừa có nguồn gốc sinh học (Bio-based and biodegradable plastic) như PLA, PHA,… Chúng khác biệt nhau về nguồn nguyên liệu thô đầu vào.

Ưu điểm

- Có khả năng phân hủy sinh học, rút ngắn về thời gian phân hủy so với nhựa thông thường. Trong điều kiện thích hợp, nhựa phân hủy sinh học có thể phân hủy nhanh chóng, chỉ trong vòng vài tuần. Điều này tối ưu hơn nhiều so với thời gian phân hủy lên đến hàng trăm năm của nhựa thông thường.

- Các sản phẩm có thể phân hủy sinh học trở thành một phần không thể thiếu của các doanh nghiệp theo hướng bền vững. Chúng cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều người tiêu dùng.

Hạn chế

- Nhiều loại nhựa phân hủy sinh học được thiết kế để phân hủy trong các hệ thống ủ phân công nghiệp. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi một hệ thống xử lý chất thải với những điều kiện nhất định. Nếu không được xử lý đúng cách, một số nhựa phân hủy sinh học, ngược lại có thể làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm nhựa khi tồn tại lâu dài ở các bãi chôn lấp hoặc gây tắc nghẽn đường thủy.

- Một số mặt hàng nhựa được dán nhãn là “có thể phân hủy sinh học” (Biodegradable) trong khi chúng chỉ phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn vi nhựa. Các nhà sản xuất nhựa cần trung thực khi gắn nhãn sản phẩm của mình là nhựa “có thể phân hủy sinh học”, và cần chỉ rõ khoảng thời gian cụ thể cần để hoàn tất quá trình phân hủy sinh học.

- Nhựa phân hủy sinh học không phải lúc nào cũng khả thi về mặt kinh tế. Theo một nghiên cứu năm 2009, việc sử dụng nhựa phân hủy sinh học chỉ khả thi về mặt tài chính trong bối cảnh có những quy định cụ thể hạn chế sử dụng nhựa thông thường. Chẳng hạn như túi nhựa có thể phân hủy sinh học đã trở thành bắt buộc ở Ý kể từ năm 2011, kể từ khi một luật cụ thể được đưa ra.

Ứng dụng

Nhựa phân hủy sinh học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, chúng thường phổ biến trong các ứng dụng bao bì một lần.

Kết luận

Nhựa có thể phân hủy sinh học đã cho thấy nhiều lợi thế của một dòng nhựa sinh học. Chúng được đánh giá cao ở khả năng phân hủy sinh học, rút ngắn thời gian phân hủy so với nhựa thông thường, nếu được xử lí ở những điều kiện thích hợp. Dù vậy, để phát huy tối đa tiềm năng của loại nhựa này cần đòi hỏi việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lí và tái chế phù hợp.