Việc mở rộng và phát triển nhựa sinh học cùng với các sản phẩm của chúng sẽ góp phần làm tăng tính bền vững của môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Nhựa sinh học được xem là một giải pháp đầy hứa hẹn để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa về lâu dài.
Tính bền vững của nhựa sinh học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể là loại nhựa sinh học, nguồn nguyên liệu thô để sản xuất ra chúng và giải pháp cuối đời để xử lí các vật liệu này.
Một số loại nhựa sinh học có nguồn gốc từ sinh học (Bio-based plastic) nhưng không thể phân hủy sinh học. Chúng giống hệt về mặt hóa học với các loại nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, có chức năng tương tự như nhựa thông thường và cũng tồn tại trong một khoảng thời gian không xác định.
Một số loại nhựa sinh học có thể phân hủy sinh học (Biodegradable plastic) được đánh giá là tiềm năng trong việc làm giảm ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi những điều kiện môi trường nhất định để quá trình phân hủy sinh học diễn ra. Ngược lại, nếu không được xử lí đúng cách, những loại nhựa này có thể góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Các giải pháp cuối đời của nhựa sinh học cũng là một yếu tố quan trọng liên quan tới tính bền vững của chúng. Có nhiều giải pháp cuối đời dành cho nhựa sinh học như ủ phân, tái chế hoặc chuyển tới bãi chôn lấp. Tuy nhiên, không phải mọi loại nhựa sinh học đều có thể phân hủy hoặc tái chế, cũng như không phải mọi địa phương đều có sẵn các cơ sở tái chế hoặc sản xuất phân trộn.
Với lo ngại cho rằng: “Chỉ vì nhựa có khả năng phân hủy sinh học, điều này không nhất thiết có nghĩa là nó sẽ phân hủy hoàn toàn trong môi trường biển.”, một số tổ chức ủng hộ việc tập trung vào tái chế, ưu tiên tái chế hơn là phân hủy sinh học để tăng tính bền vững của ngành nhựa và hạn chế chất thải nhựa. Bức tranh tương lai về hệ thống thu gom và xử lý được cải thiện thúc đẩy mức độ tái chế thông qua hỗ trợ của các chính sách, giúp ngày càng nhiều vật liệu được tái chế, đồng thời với sự phát triển trong thiết kế nhựa sinh học, mở ra kì vọng rằng việc tiêu thụ nhựa nguyên sinh sẽ giảm.
Một yếu tố khác quyết định tính bền vững của nhựa sinh học chính là giá thành của chúng. Việc tăng sản lượng và mở rộng các cơ sở sản xuất nhựa sinh học hứa hẹn tiềm năng giảm giá thành của chúng. Tuy nhiên, dù vậy, chúng vẫn có thể đắt hơn nhựa thông thường. Điều này cũng có thể khiến các doanh nghiệp nhỏ và ngân sách eo hẹp khó tiếp cận chúng.
Nhựa sinh học được cho là vượt trội hơn nhựa làm từ dầu mỏ về mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, nhựa sinh học vẫn đang gặp một số thách thức nhất định về chi phí và ứng dụng. Dù vậy, nhìn chung nhựa sinh học vẫn an toàn hơn và là một giải pháp thay thế tiềm năng.
Tính bền vững của nhựa sinh học cần được xem xét trong một quan hệ với một số yếu tố nhất định, bao gồm loại nhựa sinh học, nguồn nguyên liệu thô sản xuất chúng và các giải pháp cuối đời. Nếu biết tận dụng tối ưu những thế mạnh của nhựa sinh học, loại nhựa này hứa hẹn mang tới sự an toàn và bền vững trong tương lai.