Hotline : 02583 978585

NHỰA SINH HỌC VÀ SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Friday, 22/12/2023, 13:50 GMT+7

Có hai luồng ý kiến tranh luận xoay quanh việc nhựa sinh học có an toàn đối với sức khỏe của con người hay không. Một trường phái ủng hộ và cho rằng nhựa sinh học nhựa sinh học hoàn toàn không độc hại và an toàn đối với sức khỏe của người dùng. Trong khi, trường phái còn lại đánh giá rằng không chỉ nhựa thông thường, nhựa sinh học cũng tồn tại một số chất độc gây nguy hại đến sức khỏe của con người.

Bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu vào hai trường phái này.

  1. Cho rằng nhựa sinh học không độc hại và an toàn

Một số người lo ngại, nhựa sinh học liệu có chứa một số chất độc hại như Bisphenol A như nhựa thông thường hay không. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa sinh học cam kết không sử dụng các chất độc hại trong sản phẩm của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, các thông tin cụ thể về vật liệu hoặc sản phẩm nhất định chỉ có thể được lấy từ nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu thương hiệu đó.

Nhiều người lo ngại các loại nhựa sinh học làm từ vật liệu biến đổi gen. Trên thực tế, một số loại nhựa sinh học sử dụng cây trồng biến đổi gen để làm nguyên liệu. Tuy nhiên, đây không phải là yêu cầu kĩ thuật bắt buộc để sản xuất mọi loại nhựa sinh học. Giả sử, nhựa sinh học sử dụng cây trồng biến đổi gen thì quá trình xử lý nhiều giai đoạn và nhiệt độ cao để tạo ra polyme sẽ loại bỏ mọi dấu vết của sinh vật biến đổi gen. Nếu loại nhựa sinh học này được sử dụng làm bao bì thực phẩm thì nó đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm.

  1. Cho rằng nhựa sinh học cũng độc hại không kém nhựa thông thường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environment International cho thấy nhựa sinh học trên thực tế cũng độc hại như các loại nhựa khác. Lisa Zimmermann (Đại học Goethe) - tác giả của bài báo trên đã cho biết: “Nhựa có nguồn gốc sinh học và có thể phân hủy sinh học không hề an toàn hơn các loại nhựa khác.” Cô cũng chỉ ra rằng các sản phẩm làm từ xenlulo và tinh bột chứa nhiều hóa chất nhất. Chúng cũng gây ra phản ứng độc hại mạnh hơn trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Enviromental Science and Technology cũng đã tìm thấy trên tất cả các loại nghiên cứu nhựa sinh học là từ axit polylactic (PLA) đều có độc tính tương tự PVC. Họ cho rằng nhựa sinh học thường được các nhà sản xuất quảng cáo là giải pháp thay thế tiềm năng, dù vậy chúng nên được tiếp cận một cách cẩn thận.

Chưa nói tới việc nhựa sinh học có nguy hại tới sức khỏe con người hay không, những tuyên bố về nhựa sinh học không phải luôn hoàn toàn chính xác. Không phải mọi loại nhựa sinh học đều có nguồn gốc sinh học. Cũng không phải mọi loại nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học đều có thể phân hủy sinh học. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa sinh học đang cố tình đưa ra những thông điệp truyền thông không rõ ràng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về chúng.

Một số loại nhựa sinh học không phân hủy hoàn toàn theo thời gian mà phân rã thành các hạt vi nhựa có thể gây hại cho môi trường, động vật, sinh vật biển và sức khỏe con người. Một số thông điệp truyền thông đưa ra ý tưởng rằng nhựa sinh học sẽ phân hủy một cách vô hại vì chúng được làm từ vật liệu sinh học, có thể sẽ gây hiểu lầm.

Một số loại nhựa sinh học không thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên mà đòi hỏi cơ sở hạ tầng công nghiệp và một số điều kiện nhất định để quá trình đó diễn ra. Nhựa sinh học cũng đòi hỏi công nghệ tái chế riêng biệt, tuy nhiên trên thực tế các cơ sở tái chế nhựa sinh học chưa phổ biến. Do đó, nhựa sinh học có thể bị đưa tới các bãi chôn lấp - nơi chúng có thể giải phóng ra khí mê-tan (một loại khí nhà kính vô cùng độc hại).

Ý tưởng về việc nhựa sinh học có độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không vẫn đang là một câu hỏi bỏ ngỏ, gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Giải pháp thay thế từ nhựa sinh học liệu có tốt hơn cho con người và môi trường hay không, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tác động (chẳng hạn như phương pháp sản xuất, cơ hội tái chế,…). Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, phần đông vẫn ủng hộ nhựa sinh học như một giải pháp thay thế tiềm năng cho tương lai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về chủ đề này.