Thời trang được xem là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều ô nhiễm và lãng phí nhất. Vì vậy, việc tìm kiếm một giải pháp thay thế bền vững cho ngành công nghiệp này là hoàn toàn cấp thiết. Trước tình hình đó, nhựa sinh học nổi lên như một vật liệu thay thế tiềm năng của ngành thời trang.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang đang tích cực thử nghiệm nhiều loại nhựa sinh học khác nhau. Một số hãng thời trang đã và đang sản xuất ra những chiếc váy đính sequin, giàu thể thao hay kính râm,… làm từ nhựa sinh học. Mặc dù, thị trường thời trang nhựa sinh học chỉ đang chiếm một phần nhỏ, tuy nhiên chúng đang phát triển nhanh chóng, mở ra một tương lai thời trang bền vững từ nhựa sinh học.
Xu hướng thời trang từ nhựa sinh học trên thế giới
Mặc dù chỉ đang phát triển ở giai đoạn ban đầu, tuy nhiên các loại nhựa sinh học đang có những ứng dụng đáng kể trên thị trường thời trang. Nhiều thương hiệu thời trang như Allbirds, TOMS, Timberland, Puma, Stella McCartney, Monc London, Randolph, Pyrates… đã đón đầu xu hướng và bắt đầu tạo ra các sản phẩm thời trang (giày dép, kính râm, sequin,…) từ nhựa sinh học.
Lợi thế của ngành công nghiệp thời trang từ nhựa sinh học
Nhựa sinh học đang cho thấy nhiều lợi thế. Một trong những lợi thế quan trọng nhất của việc sử dụng nhựa sinh học trong ngành thời trang là khả năng giảm tác động đến môi trường của ngành công nghiệp này. Một số loại vải dệt truyền thống như polyester, nylon có nguồn gốc từ dầu mỏ - nguồn tài nguyên không thể tái tạo, đồng thời góp phần phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, hầu hết các loại nhựa sinh học đều có nguồn gốc tái tạo, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, thời trang từ nhựa sinh học có thể làm giảm lượng rác thải của ngành công nghiệp này ra môi trường. Bởi vì, các loại nhựa sinh học có thể phân hủy sinh học có thể được các vi sinh vật trong môi trường phân hủy thành các hợp chất vô hại. Chưa kể đến việc, chúng còn có thể phân hủy nhanh hơn, chỉ trong vòng vài tháng nếu ở điều kiện thích hợp, thay vì hàng trăm năm như nhựa thông thường.
Một số thách thức của thời trang từ nhựa sinh học
Bên cạnh những lợi thế của mình, nhựa sinh học cũng ẩn chứa một số vấn đề bất cập. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: “Nhựa sinh học có thể tái chế và phân hủy sinh học hay không?”. Trên thực tế, không phải mọi loại nhựa sinh học đều có khả năng phân hủy sinh học. Một số loại nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học nhưng không thể phân hủy sinh học. Trong khi một số loại nhựa sinh học khác có thể phân hủy sinh học nhưng lại không có nguồn gốc sinh học. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đưa ra thông tin chính xác vào các tài liệu tiếp thị của mình để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Các dòng nhựa sinh học (như Bio-PE, Bio-PET,…) có dòng nhựa truyền thống tương ứng, có khả năng tái chế tại các cơ sở tái chế sẵn có.
Tuy nhiên, đối với các loại nhựa sinh học vật liệu mới, việc tái chế là một vấn đề. Bởi vì, có sự khác biệt nhất định giữa việc chúng có thể tái chế về mặt lí thuyết so với việc thu thập và tái chế trên thực tế (có hợp lí về mặt kinh tế hay không). Các loại nhựa phân hủy sinh học (kể cả loại nhựa sinh học tiềm năng như PLA) không có sẵn các nhà máy tái chế, bởi chúng chỉ đang chiếm một phần rất nhỏ của thị trường.
Một mối lo ngại khác đặt ra đó là việc chuyển sang thời trang từ nhựa sinh học, dù không quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó lại phụ thuộc vào ngành nông nghiệp hơn. Vì vậy, để sản xuất nhựa sinh học bền vững cần phải tạo ra đa dạng nguồn nguyên liệu thô hơn, thay vì chỉ tập trung vào một vài loại nguyên liệu thô nhất định.
Kết luận
Thời trang bền vững từ nhựa sinh học được xem là một lĩnh vực đầy tiềm năng trong tương lai. Chúng ngày càng được hưởng ứng và dần mở rộng thị trường. Bên cạnh những lợi thế đáng kể thì lĩnh vực này cũng đang đối mặt với một số thách thức nhất định.