Hotline : 02583 978585

NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG DỰA VÀO CHUYỂN HÓA CHẤT VÀ NĂNG LƯỢNG NỘI TẠI.

Wednesday, 06/09/2023, 19:59 GMT+7
Một trong những chìa khóa mang tới sự bền vững cho vườn rừng chính bởi, đây là một mô hình dựa vào chuyển hóa chất và năng lượng nội tại, thay vì dựa vào đầu vào từ bên ngoài.
Từ nguồn đầu vào nhất định cần thiết ban đầu để vận hành hệ thống, vườn rừng hướng tới tối ưu hóa nguồn tài nguyên có sẵn trong hệ thống. Điều này được hiện thực hóa là nhờ quá trình mô phỏng lại quy luật vận hành của tự nhiên. Quan sát cấu trúc của một khu rừng, quan sát cách các loài thực vật chung sống, quan sát cách một khu rừng tự tạo ra dinh dưỡng và cung cấp cho hệ thống, quan sát cách tự tạo thêm nước và điều hòa vi khí hậu khu vực của một khu vườn rừng,... Các hoạt động trong vườn rừng đều xoay quanh việc chuyển hóa chất và năng lượng nội tại từ chính bên trong hệ thống.
Việc áp dụng các quy luật của tự nhiên để canh tác nông lâm kết hợp được xem như một sự đồng bộ hóa của hệ thống. Nói cách khác, việc canh tác thực phẩm vườn rừng được vận hành bằng “công nghệ của tự nhiên”. Điều này mang tới một lợi thế to lớn, đó là canh tác nông nghiệp không cần sử dụng nhiều tài nguyên và mất nhiều công sức. Nhờ đó, việc sử dụng tối thiểu tài nguyên để mang tới tối đa lợi nhuận của mô hình vườn rừng là hoàn toàn khả thi.
Đặc điểm của vườn rừng là mật độ cây trồng dày đặc. Chẳng hạn như vườn rừng của Ernst Gotsch, ông chia sẻ mình trồng 5-7 cây trên một m2. Cùng với đó là sự đa dạng hóa về cây trồng của vườn rừng. Việc đa dạng hóa nông sản dù khiến sản lượng của mỗi loài ít hơn so với loài đó khi độc canh nhưng về tổng thể, tổng sản lượng của vườn rừng cao hơn gấp nhiều lần so với mô hình thuần loài. Đồng thời, mô hình này cũng giảm chi phí nhờ việc không sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu hóa học, cũng như tối ưu nguồn phân bón hữu cơ được tạo ra từ chính bên trong hệ thống. Bên cạnh đó, với quan niệm, “không có kẻ thù, chỉ có hợp tác”, cỏ dại không phải là một vấn đề cần phải loại bỏ trong vườn rừng, ngược lại chúng trở thành đồng minh. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc che phủ, giữ ẩm, giảm thoát hơi nước. Thay vì mất chi phí cho việc diệt cỏ, vườn rừng nhận thêm lợi ích từ “đồng minh” này. 
Sự vận hành dựa vào năng lượng nội tại giúp vườn rừng trở thành một mô hình nông nghiệp có lợi thế kinh tế nhất, so với bất cứ mô hình nông nghiệp nào. Quan trọng hơn, đây không chỉ là mô hình nông nghiệp kinh tế mà còn hài hòa về xã hội và môi trường. Chìa khóa của tất cả vẫn quy tụ về hai từ “bên trong”.