Hotline : 02583 978585

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thursday, 12/10/2023, 15:41 GMT+7

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một nguyên tắc tổ chức nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển con người, đồng thời cho phép các hệ thống tự nhiên cung cấp các tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ hệ sinh thái cần thiết cho con người, với viễn cảnh tạo ra một xã hội đảm bảo điều kiện sống và tài nguyên đáp ứng nhu cầu của con người mà không làm suy yếu tính toàn vẹn và ổn định hành tinh của hệ thống tự nhiên. Định nghĩa ban đầu về “phát triển bền vững” là “sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.”

Mặc dù có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng cốt lõi của khái niệm “phát triển bền vững” là một cách tiếp cận phát triển nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Chính vì thế, phát triển bền vững được mô tả phổ biến hơn theo ba trụ cột: kinh tế - môi trường - xã hội. Định nghĩa này được phát triển từ báo cáo Tương lai chung của chúng ta được Ủy ban Brundtland công bố (1987) và các hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Rio de Janeiro (Brazil, 1992) và Johannesburg ở Nam Phi (2002).

Sau đó mô hình trên đã được các lĩnh vực chuyên môn khác nhau điều chỉnh và được mô tả phổ biến với ba trụ cột như sau:

Môi trường (hành tinh): Bảo vệ hành tinh, tiêu thụ ở mức mà tài nguyên có thể tái tạo.

Kinh tế (lợi nhuận): Có và tạo ra khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên để đáp ứng nhu cầu của con người.

Xã hội (con người): Chẳng hạn như nhân quyền, bình đẳng giới, lãnh đạo công bằng, tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Khái niệm “Phát triển bền vững” thường gắn liền với thuật ngữ “tính bền vững”. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn giống nhau. Để phân biệt hai khái niệm này, UNESCO đã đưa ra như sau:

“Tính bền vững thường được coi là mục tiêu dài hạn (tức một thế giới bền vững hơn), trong khi phát triển bền vững đề cập đến nhiều quá trình và con đường để đạt được mục tiêu đó.”

Các mục tiêu phát triển bền vững

Thành công của việc thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MGD) đã dẫn tới ý tưởng mở rộng các lĩnh vực khác để đạt được sự bền vững ở cấp độ toàn cầu. Đó là tiền đề của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 mục tiêu phụ cần hoàn thành vào năm 2030, đã được thông qua bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) vào năm 2015. Chúng sẽ được cam kết thực hiện bởi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, hướng đến cả các nước phát triển và đang phát triển. Các mục tiêu này độc lập nhưng kết nối với nhau, giúp xác định chính xác những hành động cần thực hiện, nhằm hướng tới một thế giới tươi đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. Chúng được tích hợp và không thể chia tách để đạt được sự phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu. 17 mục tiêu của UNGA giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm: nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, hòa bình và công lý. Ngày nay, các mục tiêu này được nhiều tổ chức sử dụng để làm kim chỉ nam, vạch ra con đường tương lai cho tổ chức của họ.