Hotline : 02583 978585

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - CÂN BẰNG CHỨC NĂNG SINH THÁI VÀ XÃ HỘI CỦA VƯỜN RỪNG

Thursday, 31/08/2023, 23:39 GMT+7

Vườn rừng hướng tới một mô hình nông nghiệp bền vững. Một trong số đó là làm thế nào để cân bằng các chức năng sinh thái và môi trường của vườn rừng. Các nguyên tắc thực hành được chia nhỏ thành những nguyên tắc và tiêu chí cụ thể nhằm hướng tới sự phát triển bền vững ấy.

Đầu tiên về chức năng sinh thái. Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản như giữ đất luôn được bao phủ vĩnh viễn bằng chất hữu cơ, tối ưu hóa quang hợp bằng phân tầng,... vườn rừng còn có một số nguyên tắc sinh thái khác. Vườn rừng hoàn toàn không sử dụng phân bón tổng hợp hoặc thuốc trừ sâu. Thay vì đó, các loại phân bón tự nhiên (như phân xanh, phân chuồng,...) và các chế phẩm tự nhiên có sẵn trong hệ thống được ưu tiên sử dụng. Các vấn đề liên quan tới tài nguyên đất được chú trọng. Chẳng hạn như đảm bảo việc chuẩn bị đất không có tác động tiêu cực như đất bị nén chặt hay xói mòn, cũng như sử dụng các biện pháp chống xói mòn khi cần thiết. Đảm bảo đất luôn được bao phủ thông qua tái tạo và duy trì thảm thực vật ban đầu. Việc lập kế hoạch và quản lí vườn rừng cũng rất được đề cao. Quản lí sự tái sinh tự nhiên, thiết lập vườn rừng với mật độ dày đặc và mức độ đa dạng sinh học cao với các loài đa dạng phù hợp với bối cảnh (kể cả loài bản địa lẫn loài được giới thiệu và loài ngoại lai). Thông qua quản lý các loài, người nông dân hướng tới mục tiêu thiết lập thành công hệ thống vườn rừng theo thời gian.

Bên cạnh nguyên tắc đảm bảo chức năng sinh thái, vườn rừng cũng được đề xuất một số nguyên tắc nhằm đảm bảo các chức năng xã hội. Các nguyên tắc này thường gắn liền mật thiết với lối sống của người nông dân. Vườn rừng hướng tới việc tạo ra sinh kế bền vững cho người nông dân, cũng như góp phần vào an ninh lương thực. Mô hình này thúc đẩy quyền tự chủ của người nông dân thông qua việc ưu tiên sử dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương, cũng như giảm thiểu sự phụ thuộc của họ đối với các yếu tố đầu vào bên ngoài. Người nông dân được tham gia vào việc thiết lập hệ thống, chẳng hạn như việc chọn loài. Chọn loài và thiết kế vườn rừng dựa trên các nguồn lực sẵn có và khả năng quản lý của mỗi gia đình. Việc chọn loài còn dựa trên tính đa chức năng môi trường xã hội của chúng (thực phẩm, làm cảnh, phân xanh, dược liệu, trữ nước,...). Vườn rừng nhấn mạnh sự thúc đẩy đa dạng sinh học và ưu tiên hạt giống địa phương. Chức năng xã hội của vườn rừng còn thể hiện ở việc xem xét lợi ích của gia đình người nông dân, cũng như xem xét sự phát triển của nông lâm kết hợp trong mối quan hệ với các vấn đề văn hóa, quan điểm về thế giới và tâm linh.

Không chỉ mang đến lợi thế về kinh tế so với các hệ thống nông nghiệp khác, vườn rừng còn cho thấy sự phát triển bền vững của mô hình này ở khía cạnh cân bằng chức năng sinh thái và xã hội.