Hotline : 02583 978585

PHỤC HỒI SINH THÁI TỪ VƯỜN RỪNG

Wednesday, 23/08/2023, 08:54 GMT+7

Các hoạt động của con người không phải bao giờ cũng gây hại đến môi trường. Ở một khía cạnh khác, thông qua hoạt động của mình, con người có thể tạo ra nhiều sự sống và tài nguyên hơn, biến hoạt động của mình trở nên hữu ích cho môi trường. Bởi vì trên thực tế, con người là một phần của tự nhiên. Điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa hành vi của con người đối với môi trường.

Nói cách khác, hoạt động của con người có thể góp phần phục hồi sinh thái. Có rất nhiều cách khác nhau định nghĩa phục hồi sinh thái. Trong đó, một định nghĩa phục hồi sinh thái được công nhận rộng rãi nhất từ Hiệp hội phục hồi sinh thái (Society of Ecological Restoration - SER). Theo đó, phục hồi sinh thái được hiểu là: “Quá trình hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái đã bị suy thoái, hư hỏng hoặc bị phá hủy”.

Về cơ bản, một hệ sinh thái được phục hồi phải đảm bảo chứa một số loài nhất định trong hệ sinh thái tham chiếu. Các nhóm chức năng (bao gồm các loài thực hiện các chức năng sinh thái khác nhau) có mặt, trong khi các mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe và tính toàn vẹn của hệ sinh thái đã bị loại bỏ hoặc giảm bớt. Bên cạnh đó, hệ sinh thái đã được phục hồi sẽ đủ khả năng chịu đựng các sự kiện gây căng thẳng thông thường, tự duy trì và có khả năng tồn tại vô thời hạn trong điều kiện môi trường hiện tại.

Gần đây, định nghĩa phục hồi sinh thái của SER đã được bổ sung và phát triển thành: “Khoa học, thực tiễn và nghệ thuật theo dõi và quản lý sự phục hồi tính toàn vẹn sinh thái của các hệ sinh thái, bao gồm mức độ đa dạng sinh học tối thiểu và sự biến đổi trong cấu trúc và chức năng của các quá trình sinh thái, có tính đến giá trị sinh thái và xã hội của nó. [...Nó] tìm cách đảm bảo rằng khu vực sẽ không trở lại tình trạng xuống cấp, nếu được bảo vệ và/hoặc quản lý hợp lệ.”

Một cách dễ hiểu, các hành động phục hồi nên được định nghĩa rộng hơn như là các hành động thiết lập lại các quy trình sinh thái dựa trên khung cấu trúc xác định sự chuyển đổi từ trạng thái suy thoái sang trạng thái động lực và ý nghĩa của nó về mặt quản lý và sự tham gia của con người về cả mặt không gian và thời gian. Khung cấu trúc này phải dựa trên tính bền vững cho các khu vục được khôi phục bao gồm các khía cạnh sinh thái, kinh tế, xã hội.  

Quay lại câu chuyện, con người là một phần của tự nhiên và điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa hành vi của con người đối với môi trường. Cách nhìn thế giới của người nông dân sẽ tác động đến cách họ làm việc, cách họ sử dụng và quản lí tài nguyên đất và các tài nguyên thiên nhiên khác. Chẳng hạn như, một số hình thức sản xuất có thể làm nghèo và suy thoái đất. Trong khi, một số hình thức khác lại làm giàu đất, bảo vệ đất và lớp phủ thực vật.

Thực hành vườn rừng đứng trên quan điểm hoạt động của con người có thể mang lại lợi ích cho tự nhiên. Và chính bản thân nó cũng hiện thực hóa điều đó. Mô hình vườn rừng tiếp cận phục hồi sinh thái dựa trên quan điểm con người là một phần của tự nhiên. Vì vậy, các hoạt động nông nghiệp liên kết với bảo tồn của vườn rừng được thực hiện dựa trên việc quan sát các nguyên tắc tự nhiên, trong mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Thực hành vườn rừng tạo điều kiện để tối ưu hóa chức năng của từng loài, kết hợp với việc quản lý để thực hiện các chức năng môi trường xã hội khác nhau. Từ đó, củng cố cuộc sống và tạo ra nhiều tài nguyên hơn trong một khu vực nhất định. Để đảm bảo chức năng phục hồi sinh thái, các giải pháp thiết kế và lập kế hoạch của vườn rừng đều gắn liền với các nguyên tắc thực hành. Thông qua việc tuân theo các nguyên tắc sinh thái, vườn rừng có thể vừa tạo ra lợi ích xã hội và môi trường trên cùng một khu vực.

Các cách tiếp cận để phục hồi sinh thái khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh và mục tiêu cần đạt được. Tuy nhiên, trong các khu vực kết hợp sản xuất và bảo tồn, tất cả các giai đoạn lên ý tưởng cho việc phục hồi sinh thái, từ lập kế hoạch đến thực thi và quản lí đều cần có sự tham gia của người nông dân hoặc chủ đất vào. Trong bối cảnh ấy, các hệ thống nông lâm kết hợp cho thấy tính hiệu quả trong việc khôi phục các quá trình trình sinh thái quan trọng cũng như các cấu trúc và chức năng sinh thái, đồng thời cho phép mang lại lợi nhuận kinh tế và tăng cường sinh kế.

Vườn rừng mang lại tính khả thi và hiệu quả lâu dài trong việc phục hồi sinh thái. Mô hình này cũng đầy triển vọng trong việc giải quyết câu chuyện về phát triển kinh tế bền vững với mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.