Hotline : 02583 978585

RỪNG NGẬP MẶN - GIẢI PHÁP TỰ NHIÊN THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Wednesday, 25/10/2023, 12:58 GMT+7

Băng tan, mực nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác như cháy rừng, bão nhiệt đới,... là những dấu hiện của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực để đối diện với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, các công cụ làm giảm ô nhiễm carbon và thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu được quan tâm hàng đầu. Một trong những công cụ đó là giải pháp dựa vào tự nhiên từ rừng ngập mặn.

Giải pháp dựa vào tự nhiên có thể hiểu là tận dụng những thế mạnh sẵn có trong tự nhiên để giảm thiểu hoặc thích ứng với tác động của sự thay đổi. Chúng đề cập đến một loạt các phương pháp tiếp cận sáng tạo bắt chước các quá trình của hệ sinh thái tự nhiên. Được định nghĩa cụ thể bằng các hành động được thực hiện để bảo vệ, quản lý bền vững và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên hoặc bị biến đổi nhằm giải quyết các thách thức xã hội (VD: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực,...) một cách hiệu quả và thích ứng, đồng thời mang lại phúc lợi cho con người và đa dạng sinh học.

Rừng ngập mặn được xem là giải pháp tự nhiên chống lại biến đổi khí hậu, liên quan tới khả năng thu giữ và lưu trữ carbon cao của hệ sinh thái này. Đất bùn mà rừng ngập mặn sinh sống rất giàu carbon. Theo thời gian, rừng ngập mặn còn thu giữ một lượng lớn carbon trong khí quyển và giữ nó trong đất và trong sinh khối của cây. Khả năng lưu trữ carbon lớn gấp 5 lần so với rừng nhiệt đới khiến rừng ngập mặn trở thành giải pháp chống biến đổi khí hậu cực kì có giá trị. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn có khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng như bảo vệ bờ biển và an ninh lương thực. Việc phục hồi rừng ngập mặn được ghi nhận là không chỉ giúp cung cấp các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn hỗ trợ thực hiện cam kết và thỏa thuận quốc tế khác cho Chương trình nghị sự SDG 2030.

Tuy nhiên, những năm qua diện tích rừng ngập mặn đã bị suy giảm đáng kể. Kể từ năm 1980 đến năm 2000, 35% diện tích rừng ngập mặn đã bị mất đi. Và kể từ đầu thế kỷ 21, gần 1/50 diện tích rừng ngập mặn còn lại đã bị chặt phá. Rừng ngập mặn bị phá hủy liên quan tới các hoạt động của con người như phá rừng để nuôi trồng thủy sản, làm du lịch, lấy gỗ, làm nhiên liệu,... Điều này cũng kéo theo những thiệt hại lớn về môi trường sinh thái.

Khả năng lưu trữ carbon cao của rừng ngập mặn giúp chúng trở thành một giải pháp tự nhiên mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hệ sinh thái này đang đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng bởi một số hoạt động của con người. Chính vì vậy, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu gắn liền mật thiết với việc làm chậm lại biến đổi khí hậu toàn cầu.