Hotline : 02583 978585

SÁNG KIẾN GIẢM PHÁT THẢI TỪ ĐẠO LUẬT CHỐNG PHÁ RỪNG CHÂU ÂU (EUDR)

Wednesday, 27/09/2023, 17:09 GMT+7
SÁNG KIẾN GIẢM PHÁT THẢI TỪ ĐẠO LUẬT CHỐNG PHÁ RỪNG CHÂU ÂU (EUDR)SÁNG KIẾN GIẢM PHÁT THẢI TỪ ĐẠO LUẬT CHỐNG PHÁ RỪNG CHÂU ÂU (EUDR)

Phá rừng và suy thoái rừng là nguyên nhân quan trọng gây ra biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng 420 triệu ha rừng đã bị mất do nạn phá rừng từ năm 1990 đến năm 2020. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) ước tính rằng 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra đến từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các hoạt động sử dụng đất khác. Trong đó, khoảng 11% tổng lượng khí thải là từ lâm nghiệp và sử dụng đất khác, chủ yếu là phá rừng.

Quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation-free Regulation -EUDR) là sáng kiến mới của EU nhằm hạn chế nạn phá rừng do các hoạt động nông lâm nghiệp trên toàn thế giới gây ra.

Việc mở rộng các diện tích trồng gỗ, cà phê, ca cao, cao su, dầu cọ,... trên toàn thế giới đã gây mất rừng và làm suy thoái rừng. Châu Âu là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới tiêu thụ các mặt hàng này. Theo thống kê, châu Âu là thị trường tiêu thụ khoảng 50% lượng cà phê và 60% lượng ca cao của toàn thế giới. Chỉ riêng hai loại hàng hóa này đã chiếm hơn 25% lượng cây che phủ bị mất trên toàn cầu từ năm 2001 - 2015. Chính vì vậy, chính phủ các nước EU cho rằng quốc gia của họ phải có một phần trách nhiệm về vấn đề này, khi EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm này.

Trên cơ sở đó, ngày 17 tháng 11 năm 2021, Ủy ban châu Âu đã đề xuất quy định nhằm giảm mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Đề xuất này đã được nghị viện châu Âu chính thức phê duyệt vào ngày 19 tháng 04 năm 2023 và được xuất bản trên Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu vào ngày 09 tháng 06 năm 2023. Theo đó, quy định này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 12 năm 2024 - thời điểm các công ty nhập khẩu vào thị trường này bắt đầu phải tuân thủ. Với vị thế của mình trên thị trường quốc tế, việc EU thông qua đạo luật EUDR có tầm quan trọng trong việc làm giảm tác động của những sản phẩm được công dân EU tiêu thụ đến rừng và diện tích rừng trên thế giới.

Một trong những nội dung trọng tâm của EUDR là EU sẽ  thiết lập các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn các công ty nhập vào thị trường này các sản phẩm có liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng. Hiện có 7 nhóm mặt hàng và sản phẩm chế biến từ chúng chịu sự kiểm soát của EUDR, bao gồm dầu cọ, ca cao, cà phê, gỗ, cao su, thịt bò và đậu tương. Ngày 31 tháng 12 năm 2020 là mốc thời gian EU sẽ sử dụng làm cơ sở để đánh giá về mất rừng và suy thoái rừng có liên quan đến những hoạt động sản xuất các nhóm ngành hàng này. Nói một cách khác, trọng tâm của đạo luật này là hàng hóa nông lâm sản của bất kì quốc gia nào trên thế giới muốn được tiêu thụ tại thị trường châu Âu thì cần phải tuân thủ theo quy định của EUDR.

Theo đạo luật này, hàng hóa và các sản phẩm liên quan sẽ không được đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu vào thị trường châu Âu nếu không đáp ứng được tất cả các điều kiện sau: (a) hàng hóa, sản phẩm đó thuộc diện không phá rừng; (b) hàng hóa sản phẩm đó đã được sản xuất phù hợp với pháp luật có liên quan của quốc gia sản xuất; và (c) hàng hóa, sản phẩm đó đã được thẩm định và báo cáo theo đúng quy định của EUDR. (Điều 3 của EUDR)

Theo đó, “không phá rừng” có nghĩa là: (a) các sản phẩm (thuộc phạm vi điều chỉnh) có chứa, được nuôi bởi, hoặc đã được sản xuất bằng cách sử dụng hàng hóa (thuộc phạm vi điều chỉnh của EUDR) sản xuất trên đất không bị coi là phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020; và (b) trong trường hợp các sản phẩm có liên quan có chứa hoặc đã được làm từ gỗ được khai thác từ rừng mà không gây suy thoái rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Khi EUDR chính thức có hiệu lực, để chứng minh hàng hóa thỏa mãn các điều kiện theo quy định của EUDR, các công ty nhập khẩu tại thị trường EU phải có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ chứng minh. Hồ sơ truy xuất nguồn gốc này cần phải có đầy đủ các thông tin về tọa độ địa lí, nguồn gốc thửa đất, quá trình nuôi trồng và khai thác sản phẩm làm bằng chứng không liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng.

Đồng thời, các nhà nhập khẩu cũng cần thực hiện các đánh giá rủi ro liên quan đến các khía cạnh tuân thủ, rủi ro trong phạm vi các quyền đối với người bản địa, rủi ro trong khâu sản xuất, tính phức tạp của chuỗi cung; cũng như cung cấp thông tin về các cơ chế mà họ áp dụng nhằm giảm thiểu các rủi ro đã được xác định. Nếu không hoàn thành được các nghĩa vụ này, các nhà nhập khẩu sẽ không được phép mang hàng hóa vào EU.

Đạo luật về chống mất rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR) được xem là một công cụ hữu hiệu và hứa hẹn sẽ tạo ra tác động lớn trong việc  giảm lượng phát thải carbon nhờ “ngăn chặn” dòng sản phẩm phát thải carbon cao vào thị trường tiềm năng này. Việc thực hiện đạo luật này cũng cần sự phối hợp và trách nhiệm từ các bên liên quan như chính phủ các nước EU, các quốc gia xuất khẩu, các nhà nhập khẩu,... để đảm bảo các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU tuân thủ theo đúng quy định của EUDR.