Hotline : 02583 978585

THAY ĐỔI THÓI QUEN TIÊU DÙNG ĐỐI VỚI NHỰA - BƯỚC ĐẦU TIÊN ĐỂ GÓP PHẦN GIÚP TRÁI ĐẤT TỐT LÊN

Wednesday, 13/09/2023, 10:12 GMT+7

Chỉ tính riêng Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (2022) ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương (Theo VNExpress).

 

Trái Đất đang chịu một áp lực rất lớn rác thải ra môi trường, đặc biệt là các rác thải từ nhựa. Ngày nay, trong thói quen tiêu dùng hằng ngày của con người, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp rác thải nhựa ở khắp mọi nơi. Túi nilon, hộp nhựa, ly nhựa, muỗng nhựa, ống hút nhựa,... Những món đồ nhựa sử dụng một lần tưởng chừng như tiện lợi nhưng lại tạo ra một lượng lớn khí CO2 trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Đồng thời, chúng cũng thải ra một lượng lớn rác thải ra môi trường. Phải chăng sự tiện lợi dễ khiến con người ta trở nên dễ dãi hơn?

Chỉ riêng nhựa đã tạo ra 1,8 tỷ tấn khí thải nhà kính vào năm 2019, chiếm 3.4% tổng lượng khí thải toàn cầu. Trong khi, chưa tới 10% được tái chế và một khi bị loại bỏ, chúng có thể tồn tại hàng trăm năm.

Đồ nhựa chứa nhiều chất độc hại với sức khỏe của con người. Rác thải nhựa khi chôn lấp làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Con người khi sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm này sẽ có nguy cơ ung thư hay mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa,... Rác thải nhựa khi đốt sẽ sinh ra khí thải có chứa dioxin và furan. Đây là những chất cực độc với sức khỏe của con người, khi có thể làm giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và thậm chí là nguy cơ ung thư cao nếu tiếp xúc thường xuyên. Rác thải nhựa đổ ra biển cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của hàng triệu sinh vật biển, phá hủy cân bằng sinh thái biển.

Thói quen tiêu dùng cần có một khoảng thời gian nhất định để dần dần chuyển đổi. Việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa cũng vậy. Nếu ngưng sử dụng chúng tuyệt đối và ngay lập tức là một điều gì đó bất khả thi, thì việc hạn chế, giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa này là hoàn toàn có thể. Dưới đây là một số gợi ý nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường.

  1. Từ chối sử dụng các đồ dùng nhựa một lần:

Hộp nhựa, ly nhựa, muỗng nhựa, ống hút nhựa,... là những sản phẩm nhựa tiện lợi khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, sử dụng chúng dẫn tới một lượng rác thải nhựa khổng lồ ra môi trường.

Việc từ chối sử dụng các đồ dùng một lần từ nhựa giúp giảm phát thải khí CO2  ra môi trường. Con số này sẽ là cấp số nhân theo thời gian và tương ứng với số lượng người hưởng ứng.

Thay vì sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc dùng các sản phẩm chất lượng và bền bỉ hơn để thay thế. Chi tiết ở mục 3 Thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần bằng những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài.

  1. Giảm thiểu sử dụng túi nilon:

Túi nilon là một trong những phát minh mang đến sự tiện lợi cho con người. Nhưng cũng chính vì rẻ và tiện lợi mà chúng dần trở thành một nguy cơ lớn đe dọa đến sức khỏe của môi trường. Một chiếc túi nilon có thể mất tới hàng trăm năm để phân hủy. Đây thực sự là một con số khiến nhân loại phải suy ngẫm.

Từ chối nhận các bao bì nilon không cần thiết. Sử dụng túi nilon phân hủy sinh học thay cho túi nilon thông thường. Những túi nilon còn mới sau khi đựng vật phẩm, bạn hoàn toàn có thể giặt sạch, phơi khô để tái sử dụng. Rất nhiều chị em nội trợ đã hưởng ứng và chia sẻ việc tái sử dụng lại túi nilon của mình. Việc giảm thiểu và tái sử dụng túi nilon giúp làm giảm số lượng túi nilon đang được sử dụng. Nếu mỗi gia đình đều hưởng ứng hành động này thì số lượng rác thải nilon ra môi trường sẽ được giảm thiểu theo cấp số nhân.

3. Thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần bằng những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài:

Khi đi chợ, thay vì chẳng mang gì và tay xách nách mang về hàng tá túi nilon đựng thực phẩm, bạn hoàn toàn có thể mang theo giỏ, làn hoặc túi lớn để đựng tất cả các thực phẩm. Khi tới quán cà phê, thay vì gọi một cốc nước đựng trong cốc nhựa kèm theo ống hút nhựa, bạn hoàn toàn có thể mang theo cốc (có nắp) và muỗng từ nhà theo và đựng trong cốc của mình. Khi mua thức ăn, thay vì đựng trong hộp nhựa, bạn có thể đưa cho người bán cà-mèn của mình và bảo họ đựng vào trong đấy.

Trên đây là một số gợi ý có thể giúp bạn dần thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày của mình. Bạn hoàn toàn có thể góp phần giúp Trái Đất trở nên tốt hơn chỉ bằng những hành động nhỏ, liên tục, lâu dài và nhất quán của mình.