Hotline : 02583 978585

THỜI TRANG BỀN VỮNG - XU HƯỚNG THỜI TRANG TẤT YẾU CỦA NHÂN LOẠI

Thursday, 28/09/2023, 14:07 GMT+7

Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của ngành thời trang đã khiến nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm và gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường. Theo một số thống kê, ngành thời trang đang gây ra 4 - 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu mỗi năm. Đây cũng là ngành gây tốn nước thứ 2 trong số các ngành công nghiệp hiện nay.

Để tạo ra 1kg vải phải thải ra đến 23kg khí nhà kính ra môi trường. Thực tế, tới 60% lượng sản phẩm thời trang hiện nay được làm từ vải sợi tổng hợp. Trong khi, chất liệu này không thể tự phân hủy nên đã tạo ra một lượng rác thải khổng lồ trên toàn thế giới.

Tác động môi trường của thời trang cũng phụ thuộc vào mức độ và thời gian sử dụng quần áo. Người ta ước tính rằng mỗi năm có khoảng 172 triệu USD quần áo sẽ bị vứt đi, nhiều trong số đó chỉ được mặc một lần.

Để thay thế cho xu hướng thời trang mì ăn liền (Fast Fashion), xu hướng thời trang bền vững (Sustainable Fashion) được ra đời như một sự tất yếu nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường của ngành công nghiệp này.

Vậy thời trang bền vững là như thế nào?

Thời trang bền vững - sustainable fashion (hay còn được gọi với những cái tên khác như eco-fashion, slow fashion, ethical fashion) là một thuật ngữ mô tả sản phẩm, quy trình, hoạt động và con người (nhà hoạch định chính sách, thương hiệu, người tiêu dùng) nhằm đạt được một ngành thời trang trung hòa carbon được xây dựng dựa trên sự bình đẳng, công bằng xã hội, phúc lợi động vật và tính toàn vẹn sinh thái.

Thời trang bền vững quan tâm tới việc cắt giảm lượng khí thải CO2, giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa, giảm ô nhiễm và lãng phí, hỗ trợ đa dạng sinh học và đảm bảo rằng công nhân ngành công nghiệp này được trả lương công bằng và có điều kiện làm việc an toàn.

Phong trào này nhằm chống lại lượng khí thải carbon lớn mà ngành thời trang mì ăn liền (Fast Fashion) đã tạo ra bằng cách giảm tác động đến môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và biến đổi khí hậu.

Nói một cách dễ hiểu, thời trang bền vững (Sustainable Fashion) có nghĩa là thời trang thân thiện với môi trường, không có những tác động có hại lên môi trường và kinh tế. Sản phẩm thời trang phải thực sự xanh và thân thiện trong toàn bộ quy trình từ sản xuất - sử dụng - phân hủy - tái chế.

Có thể nói, phong trào thời trang bền vững xuất phát từ phong trào môi trường hiện đại, được đánh dấu bởi sự ra đời của cuốn sách Silent Spring của nhà sinh học người Mỹ Rachel Carson vào năm 1962. Năm 1992, “các vấn đề xanh” (như cách gọi vào thời điểm đó) đã được đưa vào các ấn phẩm thời trang và dệt may tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio). Những ấn phẩm này có sự góp mặt của một số công ty thời trang nổi tiếng như Patagonia và ESPRIT, với những người sáng lập như Yvon Chouinard và Doug Tompkins - những người đã sớm nhận ra rằng tăng trưởng và tiêu dùng theo cấp số nhân là không bền vững. Với tôn chỉ bảo vệ môi trường, họ đã bước đầu đưa ra những cải tạo về chất liệu và sợi dệt để giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu được sử dụng. Dựa trên tiền đề này, trong suốt những năm 90 và đầu những năm 2000, cụm từ “thời trang bền vững” dần được hoàn thiện, mở rộng hơn về trường khái niệm (chứ không chỉ gói gọn ở việc cải tạo chất liệu như ban đầu) và bắt đầu nhận được sự quan tâm của đại chúng.

Phong trào thời trang bền vững khuyến khích các công ty thời trang nên đặt những cải tiến về môi trường, xã hội và đạo đức trong định hướng phát triển của mình. Các cải tiến này có thể bao gồm: tăng giá trị sản xuất và sản phẩm địa phương, kéo dài vòng đời của vật liệu, tăng giá trị của hàng may mặc vượt thời gian, giảm lượng chất thải và giảm thiểu tác hại đến môi trường do sản xuất và tiêu dùng gây ra. Đồng thời, giáo dục mọi người thực hành tiêu dùng thân thiện với môi trường bằng các thúc đẩy “người tiêu dùng xanh” cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào này.

Thời trang bền vững đặt ưu tiên hơn về cảm xúc, sinh thái và đạo đức hơn là sự tiện lợi. Theo đó, phong trào thời trang này quan tâm hơn cả đến các yếu tố có thể giúp thời trang trở nên bền vững, thân thiện và hữu ích. Các yếu tố này bao gồm: nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên; quy trình sản xuất không thải chất độc hóa học ra môi trường; người lao động được đối xử văn minh, được hưởng phúc lợi xã hội đầy đủ; không làm tổn hại đến cuộc sống của các loài động vật; sản phẩm thời trang được sử dụng lâu dài không dưới 30 lần; các sản phẩm thời trang phải có khả năng tái chế; các sản phẩm thời trang phải có độ phân hủy sinh học cao, giảm thiểu tác động đến môi trường;...

Thời trang bền vững hướng tới các yếu tố sinh thái, xã hội, đạo đức nhất định sẽ trở thành một xu hướng tất yếu của nhân loại, thay thế cho thời trang mì ăn liền - vốn đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Lựa chọn thời trang bền vững cũng chính là lựa chọn tất yếu của chúng ta không chỉ vì bảo vệ môi trường, thể hiện tính nhân văn với muôn loài mà còn là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.