Thực trạng tác động môi trường của một số ngành
Ngành nông nghiệp góp phần đáng kể tới việc gây ra sự nóng lên toàn cầu. Ước tính 12% tổng lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra đến từ nông nghiệp. (Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC))
Ngành thời trang cũng thúc đẩy đáng kể quá trình biến đổi khí hậu. Sản xuất thời trang chiếm tới 10% lượng khí thải carbon của nhân loại, làm cạn kiệt và gây ô nhiễm các nguồn nước. Theo UNICEF, 85% tổng số hàng dệt may bị vứt bỏ mỗi năm, cũng như việc giặt một số loại quần áo sẽ thải một lượng hạt vi nhựa đáng kể ra đại dương. Việc sản xuất các vật liệu như len, da và lông thú đã được chứng minh là gây nguy hại đến môi trường theo một cách nào đó. Lụa, len và da có nguồn gốc từ động vật, là ba chất liệu gây ô nhiễm nhất theo chỉ số Higg MSI - một công cụ so sánh tính bền vững của các loại chất liệu khác nhau; đo lường các tác động môi trường khác nhau như phát thải khí nhà kính, hóa chất, khan hiếm nước,...
Đối với các sản phẩm làm đẹp, sự hiện diện của các chất có nguồn gốc động vật như keratin, sáp ong và carmine không phải lúc nào cũng có nguồn gốc hợp pháp. Chẳng hạn như, việc chiết xuất sáp ong có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất sản xuất của ong, có thể gây bất lợi đến cả sức khỏe của ong và môi trường.
Lợi ích của các sản phẩm thuần chay
Đối với thực phẩm, các sản phẩm thuần chay thường ít nguy hại đến môi trường hơn so với các sản phẩm không thuần chay. Việc tránh các sản phẩm có nguồn gốc động vật trong chế độ ăn uống sẽ làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hơn. Không ăn thịt và sữa được xem là một cách tốt để giảm tác động của con người lên hành tinh. Việc ăn thuần chay không chỉ có thể cứu sống hàng triệu động vật, mà còn có thể tiết kiệm một lượng lớn nước ngọt, cũng như làm giảm sự lây lan của hóa chất trong đất. Sự hưởng ứng làn sóng ăn chay có thể liên quan tới mối bận tâm về môi trường, vì tình yêu động vật hoặc vì lí do sức khỏe. Về chung cuộc, chế độ ăn thuần chay được định nghĩa với sự bền vững.
Không chỉ chế độ ăn uống thuần chay, thời trang thuần chay cũng được xem là một lựa chọn bền vững. Thời trang thuần chay có nghĩa là thời trang được tạo ra mà không gây hại cho động vật. Quần áo được xem là thuần chay nếu nó không có len, da và lông thú, sừng, nỉ, lông tơ, xà cừ và lụa.
Các sản phẩm làm đẹp thuần chay không chứa chất phụ gia độc hại, an toàn cho da và tóc. Giảm nguy cơ mắc các bệnh về da như phát ban, chàm, mụn trứng cá, viêm da và các rối loạn về da khác. Các sản phẩm này cũng cho thấy tính đạo đức khi không gây tổn hại và không thử nghiệm trên động vật.
Ăn uống và tiêu dùng các sản phẩm thuần chay cũng giúp giảm lãng phí khi chỉ mua những thứ chúng ta cần.
Chủ nghĩa thuần chay
Chủ nghĩa thuần chay được Hiệp hội Thuần chay định nghĩa là “việc thực hành loại bỏ tất cả các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn hoặc một phần từ động vật”.
Chủ nghĩa thuần chay gắn liền với trách nhiệm về môi trường. Vì vậy, nó trở thành đại diện cho sự “bền vững”.
Thuần chay và bền vững
Tuy nhiên, không phải mọi sản phẩm được gắn nhãn thuần chay luôn đồng nghĩa với việc nó thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như, da thuần chay được tiếp thị là thân thiện với môi trường, dù chúng được làm từ PVC (Polyvinyl clorua) - một chất liệu độc hại, tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu. Thực tế 43% PVC có nguồn gốc từ dầu mỏ. Rayon và polyester thành công loại bỏ lụa ra như một sự thay thế “không tàn nhẫn”. Tuy nhiên việc sản xuất rayon vô cùng độc hại.
Khái niệm bền vững, chẳng hạn như thời trang bền vững hướng tới làm giảm tác động của quần áo đến môi trường bằng cách tạo ra lượng khí thải carbon nhỏ nhất khi sản xuất hàng may mặc. Không phải mọi sản phẩm có nhãn thuần chay đều bền vững. Tuy nhiên, nếu hiểu thuần chay thực sự, chẳng hạn như thời trang thuần chay đích thực khi nó loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm động vật, và được sản xuất thân thiện với môi trường một cách toàn diện thì thuần chay gắn liền với sự bền vững.
Một số gợi ý cho bạn để thực hành lối sống thuần chay bền vững
Thực phẩm
- Mua sắm thực phẩm tại các cửa hàng hoặc siêu thị bán hàng hữu cơ.
- Chú ý, kiểm tra các nhãn chứng nhận hữu cơ trên sản phẩm.
- Tự trồng một số rau củ quả tại nhà, ko sử dụng các hóa chất.
Thời trang
- Tìm hiểu kĩ về chất liệu quần áo mà bạn có ý định mua. Xem xét việc tạo ra chúng có gây nguy hại đến môi trường và làm tổn hại đến động vật hay không.
- Không sử dụng các loại quần áo được làm từ da, lông thú, tơ tằm,...
- Không tiêu thụ quần áo làm từ các chất liệu như PVC, rayon và polyester.
- Ủng hộ các nhãn hiệu thời trang thuần chay công khai nhà máy, quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm.
Mỹ phẩm
- Chú ý logo thuần chay được chứng nhận trên sản phẩm, kí hiệu bảo vệ động vật hoặc không độc hại, hoặc nhãn hiệu thuần chay của Hiệp hội thuần chay.
- Không sử dụng các sản phẩm có thành phần có nguồn gốc động vật (như sáp ong, mật ong, lanolin, các loại sữa, dịch ốc sên, tơ tằm, mỡ lông cừu,…).
- Tránh sử dụng các sản phẩm được thử nghiệm trên động vật.
- Tự làm một số sản phẩm chăm sóc cơ thể và làm đẹp từ nguyên liệu tự nhiên, chẳng hạn như son bơ, tinh dầu hoa hồng, nước cất tía tô,...