Ô nhiễm nhựa đang là một trong những thách thức môi trường lớn nhất của thời đại chúng ta. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa trên toàn cầu chảy ra đại dương. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của con người. Trước thực trạng đó, nhu cầu về các giải pháp thay thế bền vững và thân thiện với môi trường ngày càng tăng. Nhiều tổ chức nghiên cứu và công ty đang thúc đẩy việc nghiên cứu và đưa ra thị trường các giải pháp thay thế nhựa truyền thống bằng nhựa sinh học (bioplastic) làm từ các nguyên liệu có nguồn gốc tái tạo.
Phần lớn nhựa trên thị trường hiện nay là nhựa truyền thống có nguồn gốc từ dầu mỏ. Nhựa sinh học hiện chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng nhựa được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới. Nguyên nhân là bởi giá dầu thấp, cũng như những hạn chế về đặc tính vật lý và khó khăn trong việc xử lí của nhựa sinh học. Tuy nhiên, nhựa sinh học đang có tiềm năng phát triển lớn. Loại nhựa này cung cấp một giải pháp tiềm năng về môi trường, khi được tạo ra từ nguồn tài nguyên tái tạo, có thể phân hủy sinh học và có thể phân hủy, cũng như có lượng phát thải nhà kính thấp hơn so với nhựa truyền thống. Nhờ những ưu điểm của nhựa sinh học, cũng như sự thúc đẩy của các ngành công nghiệp và chính sách, ngày càng có nhiều thương hiệu lớn (như Puma, IKEA, Toyota,…) lựa chọn các giải pháp liên quan đến loại nhựa này.
Một số chuyên gia cho biết nhựa sinh học đang cạnh tranh với nhựa truyền thống ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như trên nhiều đặc tính của vật liệu (như độ cứng, độ đàn hồi và khả năng chống tia cực tím). Dù vậy, nhựa sinh học vẫn đang bị hạn chế về một số đặc tính như không thấm nước hoặc chịu nhiệt.
Một số loại nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học (hoặc một phần nguồn gốc sinh học) có khả năng thay thế nhựa thông thường bởi cấu trúc hóa học giống hệt nhựa thông thường. Thêm vào đó, chúng có khả năng bắt kịp chi phí về sản xuất so với nhựa thông thường nhờ được sản xuất tại các nhà máy lớn với số lượng lớn. Tuy nhiên, hạn chế của loại nhựa sinh học này là chúng không thể phân hủy sinh học.
Theo dự báo của Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu, sản lượng nhựa sinh học trên toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 2,11 triệu tấn năm 2020 lên khoảng 2,87 triệu tấn vào năm 2025. Châu Á là khu vực đang dẫn đầu về sản xuất nhựa sinh học trên toàn cầu. 46% nhựa sinh học được sản xuất ở đây vào năm 2020. Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư đang được thực hiện vào các nhà máy tiếp theo. Châu Âu là khu vực đứng thứ hai với 26% sản lượng nhựa sinh học toàn cầu và đang tìm cách củng cố vị thế của mình.
Nhựa sinh học được xem là mang lại một sự thay thế bền vững hơn cho nhựa truyền thống. Tuy nhiên, hiện vẫn có những thách thức liên quan đến việc ứng dụng rộng rãi nhựa sinh học như chi phí sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhu cầu sử dụng đất và nước để sản xuất,…