Hotline : 02583 978585

TRIẾT LÍ BỀN VỮNG ẨN SÂU TRONG CÁC NGUYÊN TẮC CỦA NÔNG LÂM KẾT HỢP

Wednesday, 16/08/2023, 13:11 GMT+7

Thực hành vườn rừng hay nông lâm kết hợp được xem là một loại hình nông nghiệp phát triển bền vững. Chính vì vậy, tất cả mọi thành tố tạo nên loại hình nông nghiệp này đều ẩn chứa triết lý bền vững. Trong đó, không thể kể đến các nguyên tắc cơ bản của thực hành nông lâm kết hợp.

Một số nguyên tắc cơ bản của nông lâm kết hợp bao gồm giữ đất luôn được bao phủ, phân tầng, tối đa hóa quang hợp, cắt tỉa, diễn thế sinh thái và quản lý vườn rừng. Các nguyên tắc trong vườn rừng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, để tạo thành một hệ thống khép kín có khả năng tự vận hành một cách hiệu quả nhất.

Cắt tỉa có sự kết hợp mật thiết với việc giữ đất luôn được bao phủ. Các vật chất (thân, cành, lá) thông qua cắt tỉa trở thành lớp bao phủ hoàn hảo cho đất. Đồng thời, quá trình phân hủy các chất hữu cơ này cũng tạo ra một nguồn dinh dưỡng lớn để bồi đắp cho đất. Dinh dưỡng từ đất được cung cấp trở lại để phát triển sinh khối. Quá trình cắt tỉa, sau đó, lại được lặp lại định kì.

Bên cạnh đó, cắt tỉa còn là động lực bền vững của sự chuyển hóa năng lượng. Thông qua cắt tỉa, hoạt động trao đổi chất ở rễ và nấm cộng sinh ở rễ được tăng cường. Những cây được cắt tỉa được ghi nhận có tỷ lệ quang hợp cao hơn so với những cây không được cắt tỉa. Cắt tỉa góp phần tối ưu hóa khả năng quang hợp, hấp thu lượng carbon lớn cũng như tạo ra lượng oxy khổng lồ. Lượng oxy được tạo ra có liên quan đến việc tham gia vào chu trình nước. Chính vì thế, có thể nói, cắt tỉa có tầm quan trọng trong việc duy trì và ổn định chu trình nước. Thậm chí xa hơn là việc điều hòa vi khí hậu của khu vực. Điều này cũng cho thấy một triết lí bền vững ẩn chứa trong nguyên tắc tưởng chừng như bình thường này.

Sự phát triển bền vững còn được nhấn mạnh ở việc tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên. Các nguyên tắc của vườn rừng đều phần nào thể hiện điều đó. Trong đó, nguyên tắc phân tầng cho thấy rõ điều đó. Thông qua phân tầng, mỗi loài cây được sinh trưởng ở một không gian phù hợp, tương ứng với nhu cầu ánh sáng và dinh dưỡng của chúng. Nguồn ánh sáng được sử dụng một cách tối ưu tương ứng với từng loài cây: ưa ánh sáng trực tiếp (mạnh, yếu) hay ánh sáng lọc. Nguyên tắc phân tầng cũng giúp các loài sinh vật phát triển lấp đầy mọi không gian sống, từ tầng cao (cây rừng), tầng trung (cây rừng, cây ăn quả), tầng cây bụi, tầng mặt (lớp thân thảo, lớp dây leo, lớp phủ mặt đất) đến dưới lòng đất (các loại củ), dưới nước (lớp thủy sinh).

Bên cạnh tận dụng đối đa ánh sáng thông qua phân tầng, nguyên tắc tối ưu hóa quang hợp còn được thể hiện qua việc khuyến khích trồng cây theo sườn dốc (định hướng trục bắc - nam, ở bán cầu bắc), thay vì trồng theo các đường đồng mức. Điều này giúp cây trồng tiếp xúc tối đa với ánh sáng mặt trời.

Chính khả năng tối ưu hóa giúp vườn rừng trở thành mô hình nông nghiệp có mật độ cây trồng cao, với số lượng lớn và đa dạng nhất so với bất kì mô hình nông nghiệp nào. Đặc biệt, chúng được duy trì ổn định và bền vững.

Mặc dù quản lý vườn rừng không thể không xuất hiện bàn tay của con người. Tuy nhiên, trong nông lâm kết hợp, con người đóng vai trò là đối tác, thay vì là người kiểm soát. Không có mối quan hệ làm phương hại nhau, cưỡng ép hay bức bách. Ngược lại, con người và vườn rừng hòa hợp với nhau trong một mối quan hệ thuận tự nhiên. Đây cũng là một triết lý bền vững ẩn chứa trong nguyên tắc này.  

Có thể nói, nông nghiệp vườn rừng là một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững. Và các nguyên tắc thực hành của nó cũng chứa đựng bên trong triết lí mang đến sự phát triển bền vững này.