Hotline : 02583 978585

ƯU THẾ LƯU TRỮ CARBON CỦA CÁC HỆ SINH THÁI BIỂN

Wednesday, 30/08/2023, 18:19 GMT+7

Các hệ sinh thái biển được ghi nhận là có khả năng thu giữ carbon gấp nhiều lần so với hệ sinh thái trên cạn, dù chúng chỉ chiếm một diện tích khiêm tốn.

Chẳng hạn, rừng ngập mặn có khả năng lưu trữ lượng CO2 trong khí quyển gấp 5 lần so với các khu rừng trên cạn. Trong khi đó, so với rừng trên cạn, mỗi ha cỏ biển có thể lưu giữ lượng carbon gấp đôi. Đối với đầm thủy triều, con số này là gấp 2 - 4 lần so với các rừng nhiệt đới trưởng thành. Dù chỉ chiếm hơn 0.2% diện tích đại dương, thảm cỏ biển có khả năng thu giữ tới khoảng 10% lượng carbon chôn trong trầm tích biển mỗi năm. Trong khi đó, việc phá hủy rừng ngập mặn thải ra lượng khí thải tương đương 10% lượng khí thải từ nạn phá rừng trên toàn cầu, dù hệ sinh thái này chỉ chiếm 0.7% diện tích đất toàn cầu, (1% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới và chưa tới 0.4 % tổng diện tích rừng toàn cầu).

Đây thực sự là những con số đáng kinh ngạc, cho thấy tầm quan trọng của các hệ sinh thái biển trong việc thu giữ carbon trên toàn cầu. Vậy đâu là nguyên nhân đặc biệt giúp các hệ sinh thái này có tiềm năng lớn như vậy trong việc lưu trữ carbon?

Nếu như rừng trên cạn chủ yếu lưu trữ phần lớn lượng carbon trong sinh khối (cành, lá, rễ) của chúng thì hệ sinh thái biển lưu trữ phần lớn lượng carbon trong đất. Thảm cỏ biển và đầm thủy triều được ghi nhận là lưu trữ hơn 95% lượng carbon trong đất.

Các hệ sinh thái biển được ghi nhận có khả năng tác động đến quá trình cô lập carbon lâu dài, đặc biệt là ở các bể trầm tích. Rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển chính là những bể chứa carbon khổng lồ. Chúng thu giữ CO2 bằng cách cô lập carbon trong trầm tích bên dưới, trong sinh khối dưới mặt đất, cũng như trong sinh khối chết. Đất ẩm ướt ven biển có lượng oxy thấp hơn nhiều so với đất ở rừng trên cạn. Thực vật chết mất nhiều thời gian để phân hủy hơn. Vì vậy, lượng carbon được lưu trữ trong đất ven biển có thể được giữ ở đó hàng nghìn năm.

Tuy nhiên, cùng với khả năng lưu trữ lượng carbon khổng lồ, việc suy thoái hoặc mất đi các hệ sinh thái biển sẽ dẫn tới việc thải ra lượng lớn carbon tương ứng trở lại khí quyển. Chính vì vậy, việc duy trì và bảo tồn các hệ sinh thái biển có tầm quan trọng đặc biệt trong việc chống lại biến đổi khí hậu. “Làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng lưu trữ carbon của các hệ sinh thái biển và bảo vệ chúng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người?” là một câu hỏi lớn. Lời giải đáp chính là sự suy ngẫm sâu sắc, cùng với những hành động chung tay thiết thực của toàn nhân loại.