“Đối với tôi, nông lâm kết hợp là một cách thức mới để làm việc với đất đai. Nó giống như một phương thức cổ xưa và trọng tâm của canh tác này là hãy sống chậm lại và hãy quan sát trước khi tương tác với tự nhiên và tuân theo các quy tắc cơ bản của tự nhiên.”
(Gia đình Lotz-Keegan - những người thực hành nông lâm kết hợp)
Các nguyên tắc của thực hành vườn rừng xoay quanh việc mô phỏng rừng tự nhiên cho đến khi chúng trở thành rừng tự nhiên thực sự. Thông qua việc quan sát tự nhiên và thực hành, điều đó dần được hiện thực hóa.
Nếu để một khu vườn tự phát triển trở thành một khu rừng tự nhiên thực sự cần thời gian khá dài, có khi lên tới hàng trăm năm. Tuy nhiên, với nông lâm kết hợp, chúng ta hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình đó. Bằng những kiến thức về tự nhiên, khu vườn được đưa tới một trạng thái phát triển cao nhất, thể hiện đầy đủ tiềm năng của tự nhiên bên trong nó. Để hiểu về tự nhiên một cách sâu sắc, luôn cần phải tinh tế quan sát hoạt động của chúng, thậm chí là trong một khoảng thời gian rất dài.
Quan sát và mô phỏng lại những gì đang diễn ra trong một khu rừng chính là trọng tâm của thực hành vườn rừng. Các nguyên tắc trong nông lâm kết hợp hầu như đều được đúc kết sau quá trình quan sát các hoạt động diễn ra trong tự nhiên, một cách chú tâm, nghiêm cẩn và chiêm nghiệm. Giữ đất luôn được bao phủ, phân tầng, tối ưu hóa quang hợp, diễn thế sinh thái,... đều cho thấy sự mô phỏng chính xác cách thức vận hành của một khu rừng tự nhiên. Quan sát kết cấu của một khu rừng, để hiểu về các tầng tán và sự vận hành của chúng. Quan sát vòng đời của thực vật: chúng sống được bao lâu, quan sát chúng khi ở mức sinh khối cao nhất, quan sát chúng ở thời điểm sẵn sàng thu hoạch,... Quan sát những gì diễn ra bên trên mặt đất, quan sát những gì diễn ra bên dưới mặt đất, tìm hiểu về mối quan hệ giữa cây cối với từng loại khoáng chất trong đất hay nấm rễ,... Tất cả đều là những việc làm vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đối với việc biến vườn rừng trở thành một khu rừng tự nhiên đích thực.
Hướng tới việc trở thành một khu rừng tự nhiên giúp vườn rừng sở hữu những đặc trưng vốn có của rừng tự nhiên như mật độ cây cối dày đặc; đa dạng loài và chức năng của thực vật; đa dạng sinh học và mỗi loài tìm được vị trí thích hợp của chúng trong vườn rừng; đa dạng động vật hoang dã;...
Thông qua thực hành vườn rừng, những vùng đất cạn kiệt dần được hồi sinh, độ phì nhiêu của đất tăng, những “ốc đảo xanh mát” dần hiện lên, vườn rừng trưởng thành dần “lột xác” thành rừng, rừng dần được hồi phục và mở rộng,... Từ mô phỏng cho đến khi trở thành rừng tự nhiên thực sự, đó chính là “kì tích” của vườn rừng - một “kì tích” đến từ sự hiểu biết sâu sắc và tình yêu thương của con người đối với thiên nhiên.