Hotline : 02583 978585

TÍNH BỀN VỮNG CỦA NHỰA PHÂN HỦY SINH HỌC

Thứ ba, 30/01/2024, 07:18 GMT+7

Nhựa sinh học được xem là một giải pháp tiềm năng thay thế nhựa tổng hợp, bởi những lợi ích về tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải khí, khả năng phân hủy sinh học,… Tuy nhiên, khi đánh giá về tiềm năng phát triển tổng thể của nhựa sinh học không thể không đánh giá đến tính bền vững của nó trong mối quan hệ với các trụ cột khác của đời sống.

Bài viết này sẽ tìm hiểu về tính bền vững của nhựa sinh học dựa trên ba trụ cột chính, đó là kinh tế, xã hội và môi trường.

Tính bền vững kinh tế

Nhựa sinh học tạo ra các cơ hội kinh tế và xã hội cho các bên liên quan, bao gồm: thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, doanh nhân, nông dân và người tiêu dùng, những người có thể phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường và thực hành mới hỗ trợ nhựa sinh học; tạo thu nhập và việc làm cho cộng đồng nông thôn (đặc biệt là ở các nước đang phát triển);…

Việc khám phá và phát triển các kỹ thuật có thể tiết kiệm về mặt chi phí, môi trường và vốn xã hội trong thời gian dài, từ đó giúp đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài của nhựa phân hủy sinh học.

Một trong những chỉ số về tác động kinh tế của nhựa sinh học chính là tạo việc làm cho cộng đồng.

Tính bền vững về kinh tế của nhựa sinh học còn thể hiện ở việc sử dụng vật liệu bền vững có khả năng giảm tiêu thụ năng lượng, xử lý chất thải và chi phí sản xuất trong suốt quá trình vận hành.

Tính bền vững xã hội

Tính bền vững xã hội của nhựa phân hủy sinh học được thể hiện ở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhựa sinh học góp phần giải quyết các vấn đề như đói nghèo, bất bình đẳng, phát triển cộng đồng, phúc lợi,… của cộng đồng.

Một khía cạnh thể hiện tính bền vững xã hội của nhựa sinh học nằm ở chỗ nhựa sinh học giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những giải pháp thân thiện với môi trường hơn và xử lý chúng đúng cách.

Tính bền vững về môi trường

Tính bền vững về môi trường của nhựa sinh học có thể được đánh giá thông qua việc giám sát sử dụng tài nguyên (đất, nước, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch,…) và giám sát ô nhiễm (khí nhà kính, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, axit hóa, phú dưỡng,…). Những đánh giá này là cơ sở quan trọng để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Khả năng phân hủy sinh học của nhựa sinh học giúp làm giảm ô nhiễm nhựa, rác thải chôn lấp và rác thải biển, những tác nhân gây hại cho động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đặc tính này của nhựa sinh học còn giúp chúng trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn - nơi vật liệu được tái sử dụng, tái chế và trả lại tự nhiên.

Nhựa sinh học còn giúp giảm mức tiêu thụ tài nguyên trong quá trình sản xuất, cũng như giảm lượng khí thải carbon. Nhựa sinh học giúp tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên nước so với sản xuất nhựa tổng hợp. Chẳng hạn như, sản xuất PLA cho thấy tiết kiệm 2/3 năng lượng cần thiết để sản xuất nhựa tổng hợp. Nguyên liệu có nguồn gốc thực vật của nhựa sinh học giúp hấp thụ CO2 từ khí quyển. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng quá trình phân hủy sinh học của PLA không làm tăng lượng khí CO2. Điều này được giải thích bằng việc nguyên liệu thực vật tạo ra chúng đã hấp thụ cùng một lượng CO2 khi chúng được trồng và được thải ra trong quá trình phân hủy sinh học.

Trong khi một nghiên cứu khác cho rằng nhựa sinh học ít tác động đến biến đổi khí hậu và tài nguyên hóa thạch, trong khi chúng tác động nhiều hơn đến các vấn đề khác như sử dụng đất, hiện tượng phú dưỡng,…

Nhựa sinh học được đánh giá là một giải pháp tiềm năng để thay thế nhựa tổng hợp trong nền kinh tế tuần hoàn. Mặt dù vẫn còn gây ra một số tranh cãi, tuy nhiên, nhìn chung chúng cho thấy tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhựa sinh học mang tới triển vọng về việc tạo ra một ngành công nghiệp bền vững về nhiều mặt.