Hotline : 02583 978585

LỢI THẾ VÀ THÁCH THỨC CỦA NHỰA SINH HỌC TRONG NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN

Thứ ba, 30/01/2024, 07:16 GMT+7

Nhựa tổng hợp đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng đang đặt ra một số vấn đề về môi trường, chẳng hạn như tài nguyên thiên nhiên, khí thải trong quá trình sản xuất, quản lý chất thải, rò rỉ vào thiên nhiên, tỷ lệ tái chế thấp,… Trước bối cảnh đó, nhựa sinh học được xem là một vật liệu thay thế đầy hứa hẹn trong việc giảm tác động đến môi trường, đặc biệt là khi chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Bài viết này sẽ tìm hiểu về lợi thế, thách thức và tiềm năng của nhựa sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn.

Nhựa sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn:

Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế và mô hình sản xuất nhằm tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế các nguồn tài nguyên, từ đó kéo dài vòng đời của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chất thải.

Theo nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur, vật liệu đóng gói bằng nhựa thất thoát mỗi năm lên tới 80-120 tỷ USD do xử lý và lãng phí. Cũng theo tổ chức này, chỉ có khoảng 14% bao bì nhựa trên toàn cầu được thu gom để tái chế. Mặc dù tình trạng này đáng báo động, tuy nhiên việc đổi mới nhựa bằng cách thiết kế lại và phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy tăng trưởng, giảm chất thải và cải thiện tác động môi trường. Không có một giải pháp duy nhất, thay vào đó cần nhiều giải pháp để khắc phục vấn đề. Nhựa sinh học được tiếp cận đa hướng bằng việc cải tiến các thiết kế.

Các biện pháp hữu ích hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai của ngành công nghiệp nhựa, bao gồm, giảm mạnh lượng tiêu thụ nhựa, thiết kế các sản phẩm có thể tái sử dụng và tái chế trên thị trường, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất nhựa sinh học kết hợp với việc sử dụng năng lượng tái tạo, các phương pháp tái chế tuần hoàn,…

Việc tăng cường sử dụng nhựa sinh học đang cho thấy hiệu quả trong việc giảm sử dụng các nguồn tài nguyên hữu hạn, giảm chất thải chôn lấp,…

Mặc dù việc tìm nguồn cung ứng, sử dụng nhựa sinh học,… đang là những thách thức; tuy nhiên, việc hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực dựa trên sinh học cũng được coi là một cách để tạo ra tính tuần hoàn lớn hơn trong ngành công nghiệp này.

Lợi thế của nhựa sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn:

- Thay thế nguyên liệu đầu vào bằng các nguyên liệu có nguồn gốc sinh học, giúp giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch.

- Năng lượng trung hòa carbon được sử dụng cho sản xuất và các sản phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế khi hết vòng đời.

- Có lượng khí thải carbon thấp hơn.

- Có thể tương thích với các dòng tái chế hiện có.

- Cung cấp khả năng phân hủy sinh học như một lựa chọn tiềm năng khi hết vòng đời, nếu được thực hiện trong môi trường được kiểm soát.

- Tỷ lệ tái chế cao.

- Góp phần tạo nên vòng đời nhựa thương mại bền vững hơn.

Thách thức của nhựa sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn:

- Có thể cạnh tranh với sản xuất lương thực.

- Quản lý khi hết vòng đời không rõ ràng và chi phí cao hơn.

Tiềm năng của nhựa sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn:

Ước tính quy mô thị trường toàn cầu cho nhựa sinh học là khoảng 11,5 tỷ USD vào năm 2022, con số dự báo đến năm 2027 là khoảng 27,3 tỷ USD.

Khi nói tới nhựa sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn, một trong những vấn đề được quan tâm là các giải pháp cuối đời. Hiện tại, nhựa sinh học có khá nhiều các lựa chọn cuối đời như tái chế cơ học, tái chế hóa học, phân hủy sinh học và ủ phân, tái chế sinh học, thiêu đốt, bãi rác, phân hủy kỵ khí,… Chính những lựa chọn đa dạng này giúp tăng tỷ lệ nhựa sinh học quay trở lại vòng tuần hoàn hơn.

Kết luận:

Nhựa sinh học có thể đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Với những lợi thế đáng kể về tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, khả năng phân hủy sinh học,… nhựa sinh học mang tới một tầm nhìn triển vọng cho một tương lai bền vững.