1. Nhựa sinh học không nhất thiết phải được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc sinh học. Những loại nhựa làm từ hóa dầu nhưng có khả năng phân hủy sinh học (VD: PBAT), vẫn được gọi là nhựa sinh học.
2. Nhựa sinh học không nhất thiết phải có khả năng phân hủy sinh học. Một số loại nhựa không phân hủy sinh học nhưng có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như Bio-PE vẫn được gọi là nhựa sinh học.
3. Nhựa sinh học có nguồn gốc sinh học có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau như polysaccharides (tinh bột, xenlulo, chitosan và alginate), protein (protein đậu nành, gluten và gelatin), đường (VD: axit lactic) và lipid (dầu hoặc chất béo).
4. Nhựa sinh học thậm chí còn có thể được làm từ cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên quá trình sản xuất nhựa sinh học có thể loại bỏ vật liệu di truyền, từ đó thu được loại nhựa sinh học đảm bảo đặc tính hóa học và vật lí như bình thường.
5.Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của hầu hết các loại nhựa sinh học là ứng dụng bao bì, đóng gói.
6. Nhựa sinh học không chỉ được sử dụng trong những ứng dụng có tuổi thọ ngắn hạn như bao bì, mà còn được sử dụng trong những ứng dụng có tuổi thọ dài hạn như chế tạo tấm thân của xe ô tô. Điều này tùy thuộc vào việc trộn nhựa sinh học với các chất phụ gia nhất định để tạo ra loại vật liệu tương ứng với loại ứng dụng cụ thể.
7. Nhựa sinh học như PHA, có thể tạo ra các thiết bị cấy ghép trong cơ thể người nhờ đặc tính tương thích sinh học và khả năng phân hủy sinh học vô hại.
8. Bên cạnh các ứng dụng phổ biến (như bao bì, y tế, thiết bị điện tử,…), nhựa sinh học đang bắt đầu len lỏi vào một số lĩnh vực mới mẻ như hàng không vũ trụ.
9. Một số loại nhựa sinh học có khả năng phân hủy sinh học có thể rút ngắn thời gian phân hủy của vật liệu xuống chỉ còn vài tuần (trong điều kiện môi trường nhất định) so với hàng trăm năm của nhựa tổng hợp.
10. Tuyên bố về “khả năng phân hủy sinh học” của nhựa sinh học phải được chứng minh bằng những tiêu chuẩn đã được phê duyệt, lý tưởng nhất là chứng nhận của một bên thứ ba độc lập. Một số chứng nhận uy tín về khả năng phân hủy sinh học của nhựa sinh học như AS 4736-2006 (khả năng phân hủy thương mại); AS 5810-2010 (khả năng phân hủy tại nhà),…