Hotline : 02583 978585

10 ĐIỀU BẠN CẦN LƯU Ý ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI TIÊU DÙNG THỜI TRANG BỀN VỮNG

Thứ tư, 04/10/2023, 12:32 GMT+7

1. Mua ít và mua đồ xịn hơn

Có lẽ bạn đã nghe thấy điều này không ít lần trước đây. “Chất lượng hơn số lượng”. Nghe có vẻ nhàm nhưng điều này thực sự hữu ích. Những món đồ xịn sẽ giúp bạn sử dụng lâu bền trong thời gian dài mà vẫn đảm bảo chất lượng. Chất vải mềm mịn, thoải mái, không bị xừ. Ngược lại những món đồ rẻ tiền thường có chất lượng kém và tuổi thọ ngắn. Nếu thực sự nghiêm túc tính toán, bạn sẽ nhận thấy mua một món đồ xịn, hơi đắt một chút nhưng sẽ có lợi hơn nhiều so với một món đồ rẻ tiền, theo chiều dài của thời gian.

Trước khi mua một món đồ, bạn nên cân nhắc. Có thể tham khảo 3 câu hỏi gợi ý sau: “Bạn mua gì và tại sao?”, “Bạn thực sự cần gì?”, “Bạn sẽ mặc nó ít nhất 30 lần chứ?”.

Nếu bạn có đáp án thỏa mãn cho ba câu hỏi trên thì bạn có thể mua món đồ đó.

2. Hiểu về chất liệu quần áo của bạn

Nắm rõ đặc điểm và tác động của chất liệu rất có ý nghĩa trong việc tiêu dùng bền vững. Các chất liệu tổng hợp như polyester có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và mất nhiều thời gian để phân hủy. Không phải tất cả các chất liệu tự nhiên đều được làm giống nhau. Chẳng hạn, bông hữu cơ sử dụng ít nước hơn đáng kể so với bông thông thường và không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Hãy tìm kiếm các chứng nhận tương ứng để đảm bảo quần áo bạn mặc có chất liệu ít ảnh hưởng đến môi trường và hành tinh. Vật liệu tái chế có tác động thấp hơn so với vật liệu nguyên bản. Bạn nên cân nhắc xem chất liệu làm quần áo của mình có thể tái chế lại sau khi bạn sử dụng hay không.

3. Ý thức về thời trang thuần chay

Các vật liệu có nguồn gốc động vật như da và len gây ra những lo ngại về môi trường và đạo đức. Ngay cả các sản phẩm thay thế từ thực vật cũng thường chứa một lượng chất tổng hợp nhất định. Vì vậy, khi mua một món đồ, bạn cần tìm hiểu kĩ về nguồn gốc của chúng.

4. Mua những quần áo của thương hiệu trả lương công bằng và đảm bảo phúc lợi cho nhân viên

Sử dụng những quần áo mà bạn biết rõ rằng những công nhân làm ra nó được trả lương công bằng và làm việc trong môi trường an toàn. Mua hàng của những thương hiệu công khai thông tin về nhà máy cũng như chính sách trả lương và phúc lợi cho nhân viên của họ.

5. Thời trang tiết kiệm nước

Thời trang được xem là ngành công nghiệp tiêu tốn nước thứ hai trên toàn cầu. Hãy cân nhắc đến những loại quần áo ít gây tiêu tốn nước trong quá trình sản xuất. Bông hữu cơ sử dụng ít nước hơn đáng kể so với bông thông thường trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng thuốc nhuộm ít nước cũng làm giảm tiêu tốn nước.

6. Bảo quản quần áo của bạn

Mức độ tác động đến môi trường của quần áo liên quan đến tuổi thọ của chúng. Quần áo được bảo quản kĩ, bền và có tuổi thọ lâu dài sẽ làm giảm tác động đến môi trường. Cố gắng giữ quần áo của bạn được lâu bền nhất có thể. Không giặt quá nhiều lần (điều này cũng giúp làm giảm lượng khí CO2 và mức tiêu tốn nước), sửa chữa thay vì vứt bỏ,... sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của quần áo.

7. Mua quần áo cũ

Ngày càng có nhiều hơn các cửa hàng quần áo cũ chất lượng. Bạn hoàn toàn có thể tìm những món đồ thời trang đẹp, bền và độc đáo tại các cửa hàng bán đồ cũ. Sử dụng quần áo cũ không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của nó mà còn làm giảm tác động đến môi trường.

8. Thuê quần áo

Không phải bất kì dịp nào bạn cũng cần phải mua quần áo mới. Với những bộ trang phục mang tính đặc trưng chỉ dùng trong ít ỏi một vài trường hợp nhất định, bạn có thể cân nhắc đến việc thuê chúng. Chẳng hạn như trang phục trong một bữa tiệc nào đó.

50 triệu - là số lượng quần áo được mua và chỉ được mặc một lần trong mỗi mùa hè chỉ riêng ở Anh. Đây quả thực là một con số đáng suy ngẫm! Mua quần áo, mặc một lần và vứt bỏ là một sự lãng phí. Thuê quần áo là cách hữu ích để tránh lãng phí.

9. Đảm bảo quần áo của bạn có cuộc sống thứ 2

Bán lại quần áo cũ hoặc quyên góp quần áo cho các tổ chức xã hội chính là cách để giúp quần áo của bạn có được vòng đời mới. Đối với những món đồ cũ không còn có thể sửa chữa hoặc tái sử dụng, hãy tìm kiếm các chương trình tái chế dành riêng cho chúng nếu có thể.

10. Thời trang tuần hoàn

Việc tạo ra một ngành công nghiệp thời trang tuần hoàn là một viễn cảnh bền vững đầy triển vọng đối với ngành công nghiệp này. Thời trang tuần hoàn là một hệ thống mà ở đó tất cả các hàng may mặc đều có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc trả lại cho đất (nếu có thể phân hủy sinh học). Hãy suy nghĩ đến việc đưa quần áo của bạn vào hệ thống này.