Hotline : 02583 978585

6 CHỮ “R” GIÚP GIẢM NHẸ ÁP LỰC CHO TRÁI ĐẤT

Thứ tư, 13/09/2023, 10:08 GMT+7

Các vật dụng mà chúng ta sử dụng hằng ngày như đồ nhựa, quần áo, đồ điện tử,... đều gây ra lượng khí thải carbon từ giai đoạn sản xuất đến vận chuyển. Tuy nhiên, thông qua những hành động của mình, con người hoàn toàn có thể góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc làm giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường. Trong số những gợi ý giúp Trái Đất tốt lên, bạn có thể tham khảo 6 gợi ý hữu ích bắt đầu bằng chữ “R”. Các gợi ý này có thể bao quát các hoạt động thực tiễn mà bạn có thể hành động vì môi trường.

1. Refuse (từ chối):

Để giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường, chúng ta cần phải chọn “từ chối” nhiều hơn. Nói “KHÔNG” với những bao bì dư thừa, hàng hóa rẻ tiền không dùng được lâu, hoặc chỉ đơn giản là những thứ chúng ta không cần.

Chỉ một hành động đơn giản như từ chối một cốc cà phê dùng một lần để chuyển sang cốc có thể tái dụng cũng có thể tạo ra một sự khác biệt đáng kể theo thời gian. Mỗi năm, trên toàn cầu, con người sử dụng tới 16 tỷ cốc cà phê dùng một lần. Loại rác thải này rất khó tái chế, bởi giấy bên trong của chúng được phủ nhựa.

Từ chối là hành động đầu tiên trong việc giảm thiểu lượng CO2 ra môi trường. Những thứ không cần thiết (như đồ dùng 1 lần) vẫn phải trả giá cho môi trường. Vì vậy, hãy chỉ lấy những gì bạn cảm thấy cần thiết và sử dụng nó lâu dài.

2. Reduce (giảm thiểu):

Giảm thiểu là một trong những cách để làm giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.

Luôn cân nhắc trước khi mua một món đồ nào đó. Bạn có thực sự cần nó nhiều như bạn nghĩ hay không?

Hãy luôn mang theo bên mình một chiếc túi lớn và các hộp nhỏ có thể tái sử dụng để có thể đựng các thực phẩm, thay vì tốn nhiều túi nilon hơn.

Bạn có thể hạn chế việc sử dụng chai nhựa một lần bằng các sản phẩm refill. Ở Việt Nam hiện nay, cũng đã có một số nhãn hàng nhận refill cho khách hàng. Chẳng hạn như nước gội đầu bồ kết, nước súc miệng trầu không, nước tẩy rửa Tinh Tươm,... của Present Farm (Nông Trại Bây Giờ).

Mua những món đồ chất lượng để có thể sử dụng chúng lâu hơn. Chúng có thể đắt một chút, nhưng khi tính toán về mặt thời gian thì chúng lại có lợi hơn so với sản phẩm chất lượng thấp và rẻ tiền.

Bạn có thể nghĩ đến việc trồng một vườn rau thực phẩm cho gia đình mình. Không cần phải là một mảnh vườn lớn, bạn hoàn toàn có thể tận dụng góc ban công nhà mình để trồng một số loại rau ăn lá dễ chăm sóc. Điều này, góp phần vào việc làm giảm chi phí đóng gói và năng lượng trong việc vận chuyển thực phẩm.

3. Reuse (tái sử dụng):

Sử dụng những vật dụng có chất lượng và tuổi thọ cao, có khả năng tái sử dụng nhiều lần chính là một cách để giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường. Nếu mua mới, hãy mua những món đồ chất lượng và bền.

Những sản phẩm tiện lợi, sử dụng một lần như túi nilon, ly nhựa, muỗng nhựa, ống hút nhựa,... không chỉ mang đến sự lãng phí mà còn thải ra môi trường một lượng rác thải nhựa khổng lồ. Càng nhiều sản phẩm nhựa tiện lợi được sản xuất, đồng nghĩa với việc càng nhiều lượng khí carbon được thải ra liên quan tới quá trình sản xuất chúng.

Việc tái sử dụng khuyến khích bạn sáng tạo và giảm nhu cầu sử dụng nhiều tài nguyên hơn. Phối lại quần áo cũ để tạo thành những kiểu dáng mới, rửa sạch các chai lọ thủy tinh để đựng tiếp, ủ rác hữu cơ thành phân bón,... là những hành động tái sử dụng thiết thực mà bạn có thể áp dụng cho cuộc sống.

Những món đồ cũ không còn nhu cầu sử dụng nữa, bạn hoàn toàn có thể mang đến cho chúng một vòng đời mới bằng cách quyên góp chúng cho các tổ chức từ thiện hoặc bán lại.

4. Refix/repair (sửa chữa):

Một số món đồ bị vứt đi đơn giản bởi vì chúng ta không biết cách sửa chúng, quá tốn kém để sửa chữa hay chúng đã trở nên lỗi thời. Điều này khá phổ biến trong lĩnh vực công nghệ như điện thoại. Tuy nhiên, đây là một hành động lãng phí.

Những vật dụng còn có thể sử dụng tốt nếu chỉ hư hỏng, hỏng hóc nho nhỏ, hoàn toàn có thể được sửa chữa để hồi phục lại giá trị sử dụng của chúng. Một chiếc bàn bị gãy chân hoàn toàn có thể được thay thế, lắp ráp, sửa chữa lại để tiếp tục sử dụng. Vứt bỏ một vật dụng khi chúng vẫn còn giá trị sử dụng chính là một sự lãng phí.  

Nếu không thể sửa chữa, hãy cân nhắc đến việc biến món đồ ấy trở thành một vật dụng hữu ích khác.  Một cánh cửa gỗ trở thành một chiếc xích đu chẳng hạn?

5. Resale (bán lại):

Khi bạn không còn muốn sở hữu một món đồ nào đó nữa hoặc khi mua mới một món đồ nào đó trong gia đình, những vật dụng cũ cùng loại vẫn còn có giá trị sử dụng, hoàn toàn có thể được thanh lý, bán lại cho những người cần chúng.

Một chiếc xe cũ, chiếc máy tính cũ, tủ lạnh cũ, quần áo cũ, sách cũ,... tất cả đều có thể được bán lại để chúng được tiếp tục sống vòng đời mới với người chủ mới.

Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng chuyên thu mua và phân phối lại vật dụng cũ, chẳng hạn như trong ngành thời trang. Những món đồ này có thể sẽ rất hữu ích đối với những người có khả năng tài chính thấp, hoặc người muốn thực hành một lối sống tối giản, hoặc đơn giản là vì họ muốn sưu tầm một món “đồ cổ”.

Khi bán lại một món đồ cũ, bạn không chỉ có thêm một nguồn thu nhập nho nhỏ, mà còn góp phần giảm bớt áp lực lên Trái Đất. Nếu đã có lợi như vậy, tại sao không làm chứ?

6. Recycle (tái chế):

Sau khi đã làm các hành động R trên, bạn có thể nghĩ tới chữ R cuối cùng - recycle (tái chế).

Rác thải hay phế liệu sau khi được thải ra hoàn toàn có thể được tái chế để trở thành những vật dụng có ích mới.  Cố gắng tái chế mọi thứ có thể. Kim loại, gỗ, hầu hết nhựa, giấy,... đều là những vật liệu có khả năng tái chế.

Tái chế giúp tiết kiệm vật liệu cũng như giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Chúng giúp giảm việc sử dụng nguồn nguyên liệu thô; giảm tiêu tốn năng lượng, phát thải khí độc ra môi trường và làm giảm đáng kể việc ô nhiễm nước rỉ rác từ việc chôn lấp rác thải.

Nếu bạn có mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc giảm phát thải ra môi trường thì gợi ý về 6 chữ “R” hoàn toàn có thể trở thành một “bộ quy tắc” định hướng cho hành động của bạn đấy!