Hotline : 02583 978585

9 GỢI Ý ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TIÊU DÙNG BỀN VỮNG

Thứ tư, 04/10/2023, 12:27 GMT+7

Biến đổi khí hậu, bất công trong việc làm cũng như những chất độc hại có trong sản phẩm,... là những vấn đề mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Đó là những điều khiến con người ngày càng có ý thức hơn về việc tiêu dùng bền vững.

Ngày nay, người ta không chỉ quan tâm tới giá cả của một món hàng mà còn quan tâm tới nhiều vấn đề liên quan khác xoay quanh món hàng đó như chất liệu của chúng, ai là người làm ra chúng, chúng sẽ như thế nào sau khi được mua về,...

Là người quan tâm tới môi trường và có trách nhiệm xã hội, bạn có thể bắt đầu thực hành theo một số gợi ý dưới đây để trở thành một người tiêu dùng bền vững.

1. Cắt giảm đồ dùng nhựa một lần để giảm tác động đến môi trường

Để tránh dùng đồ một lần, bạn có thể chuẩn bị sẵn những vật dụng thay thế có độ bền và khả năng tái sử dụng. Mang theo bên mình ly/cốc hoặc bình uống nước cá nhân, hộp đựng cơm và dụng cụ ăn uống, túi vải to,... Chúng sẽ giúp bạn từ chối được cốc nhựa một lần, hộp nhựa một lần và túi nilon mỗi khi vào quán cà phê, quán ăn hay đi chợ/siêu thị đấy.

2. Mua thực phẩm địa phương

Hãy mua rau, trái cây, thịt cá,... từ các chợ, siêu thị, trang trại địa phương. Việc vận chuyển hàng hóa gần giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.

3. Ưu tiên thực phẩm hữu cơ và được khai thác bền vững

Thực phẩm hữu cơ không chỉ không chứa các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nên lưu ý đến các chứng nhận hữu cơ của sản phẩm. Ủng hộ các sản phẩm hữu cơ canh tác bền vững và cam kết tuân thủ các quy trình nông nghiệp đạo đức. Nếu có thể, bạn nên ưu tiên sử dụng thực phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, cần quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm. Chẳng hạn như cá, bạn nên ăn cá theo mùa và được đánh bắt theo hướng bền vững.

4. Ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên

Không chỉ thực phẩm, các sản phẩm thiết yếu khác trong gia đình cũng cần được lưu ý kĩ về nguồn gốc. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn thân thiện với môi trường. Nên lựa chọn các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước giặt, nước lau nhà,...) , các sản phẩm chăm sóc cơ thể (dầu gội, dầu xả, sữa tắm, sữa rửa mặt,...) có nguồn gốc thiên nhiên.

Tránh mua quần áo làm từ chất liệu gây tác động tiêu cực đến môi trường. Polyester, acylic, viscose/rayon,... đều là những vật liệu tổng hợp góp phần gây ra ô nhiễm nguồn nước và nạn phá rừng trầm trọng. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại vải thân thiện với môi trường và sợi tự nhiên như bông hữu cơ, vải lanh, sợi gai dầu,...

5. Tiêu dùng nhân văn

Tiêu dùng bền vững không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm đến sản phẩm trong những mối quan hệ khác. Tính đạo đức của sản phẩm thể hiện ở chỗ việc sản xuất ra sản phẩm ấy có làm tổn hại đến một đối tượng nào khác hay không. Để trở thành người tiêu dùng nhân văn, bạn nên tìm hiểu kĩ về sản phẩm mình dự định mua. Lựa chọn những thương hiệu công khai nhà máy và đảm bảo trả lương công bằng, đảm bảo phúc lợi và điều kiện làm việc an toàn cho công nhân của họ.

Không sử dụng thời trang làm từ da, lông thú,... Không sử dụng mỹ phẩm được thí nghiệm trên động vật. Hạn chế ăn thịt, ăn rau nhiều hơn. Sử dụng những thực phẩm được chứng nhận là nuôi nhân đạo. Có những ngày ăn chay cố định trong tuần, trong tháng (Thứ hai không ăn thịt, chay rằm mồng một,...) Cân nhắc đến việc ăn chay hoàn toàn,... Trên đây là một số gợi ý để bạn thực hành trở thành một người tiêu dùng nhân văn.

6. Tối giản, chất lượng và tiết kiệm

Thay vì mua hàng tá món đồ rẻ tiền và chất lượng kém, bạn nên ưu tiên mua những món đồ xịn và bền, dù chúng có thể đắt hơn một chút. Về lâu dài, bạn sẽ cảm nhận được lợi ích của điều đó. Quần áo chính là một trong những thứ đầu tiên cần phải thực hành điều này. Thay vì mua quần áo theo mùa, theo trào lưu,... và chất đầy tủ, bạn chỉ cần mua một vài món đồ chất lượng, bền, đẹp. Chọn chất liệu tốt, thân thiện với môi trường, màu sắc cơ bản, đường may tinh tế,... bạn có thể phối hợp chúng với nhau để tạo thành những bộ trang phục phù hợp với nhiều hoàn cảnh xã hội mà không kém phần thời trang. Đối với những trang phục chỉ mặc một lần hoặc chỉ dùng trong một dịp nào đó, bạn có thể mượn hoặc thuê thay vì mua chúng. Điều này không chỉ tránh lãng phí mà còn làm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

7. Kéo dài vòng đời của sản phẩm

Mua các sản phẩm có chất lượng tốt ngay từ đầu. Bảo quản kĩ các món đồ theo hướng dẫn. Bảo trì, bảo dưỡng định kì. Mua lại đồ dùng, vật dụng (quần áo, nội thất,... ) từ các cửa hàng đồ cũ, thay vì mua mới. Những điều này không chỉ giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm, mà còn có thể giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường.

8. Lưu ý tới khả năng tái sử dụng và tái chế của sản phẩm

Một trong những điều liên quan đến tiêu dùng bền vững là quan tâm tới khả năng tái chế và tái sử dụng của sản phẩm.Trước khi mua một món đồ mới, dù là đồ gia dụng hay quần áo,... bạn cần cân nhắc tới khả năng tái sử dụng và tái chế của chúng. Ngoài ra, cần quan tâm tới bao bì của sản phẩm có khả năng tái sử dụng và giảm thiểu rác thải ra môi trường hay không.

9. Thói quen tìm hiểu kĩ về thương hiệu sản phẩm mà bạn mua

Nếu cam kết thực hành tiêu dùng bền vững, bạn cần tạo thói quen nghiên cứu kĩ về bất kì thương hiệu nào mà sẽ ủng hộ. Lựa chọn các nhà sản xuất và nhà bán lẻ tận tâm, minh bạch về thực tiễn kinh doanh và cung cấp đầy đủ chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của họ cho người tiêu dùng muốn tìm hiểu.