Hotline : 02583 978585

BAO BÌ BỀN VỮNG

Thứ tư, 22/11/2023, 10:24 GMT+7

Các vấn đề về rác thải từ bao bì nhựa trên toàn cầu đang ngày càng gây ra những tình trạng đáng lo ngại. Năm 2018, người ta ước tính rằng chỉ có 23% tổng số màng PE được tái chế, phần lớn bao bì thực phẩm sẽ trở thành rác thải. Năm 2023, khối lượng bao bì mềm được sử dụng trên toàn thế giới lên tới 29,88 triệu tấn. Cùng với đó, ngày càng nhiều công ty hướng tới việc thực hiện các chiến dịch thân thiện với môi trường trong việc giảm lượng khí thải carbon, tái sử dụng và sử dụng vật liệu tái chế nhiều hơn. Bao bì bền vững chính là một trong những giải pháp hữu ích góp phần tích cực vào những mục tiêu sinh thái này.

Mặc dù, khái niệm bao bì bền vững có vẻ tương đối mới khi đề cập đến những cân nhắc về môi trường đối với bao bì. Tuy nhiên, đây là một vấn đề có ý nghĩa và quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường.

Bao bì bền vững

Bao bì bền vững đề cập đến việc tìm nguồn cung ứng, phát triển và sử dụng các giải pháp đóng gói có tác động và dấu chân môi trường tối thiểu. Bao bì bền vững là bất kì loại vật liệu thân thiện với môi trường nào được sử dụng để bọc, lưu trữ, vận chuyển hoặc xếp kệ sản phẩm. Nó đòi hỏi nhiều phân tích và tài liệu hơn để xem xét thiết kế bao bì, lựa chọn vật liệu, xử lý và vòng đời. Thông qua đó giúp làm giảm tác động môi trường và dấu chân sinh thái.

Bao bì bền vững đúng nghĩa phải lưu ý đến cái nhìn tổng thể về chuỗi cung ứng: từ chức năng cơ bản, đến tiếp thị, sau đó đến hết vòng đời và tái sinh.

Mỗi giai đoạn của bao bì từ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất bao bì và xử lý cuối vòng đời của chúng đều tạo ra những tác động đến môi trường. Khí thải của mỗi giai đoạn góp phần gây ra một số vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, axit hóa, biến đổi khí hậu,... Trong khi đó, bao bì bền vững cũng góp phần làm giảm lãng phí thực phẩm nhờ giúp giải quyết các đặc tính (hóa học và vi sinh) của thực phẩm.

Những tuyên bố tiếp thị về môi trường trên bao bì cần phải được định nghĩa cụ thể và rõ ràng, tránh đưa ra những thông tin chung chung, mơ hồ như bao bì xanh và thân thiện với môi trường.

Tiêu chí của bao bì bền vững

Nhiều tổ chức liên quan như chính phủ, các tổ chức đánh giá, người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhà đóng gói đang xem xét một số tiêu chí về bao bì bền vững. Mặc dù, mỗi tổ chức diễn đạt các mục tiêu này khác nhau một chút, tuy nhiên, một số tiêu chí chung về bao bì bền vững, bao gồm: (1) chức năng - bảo vệ sản phẩm, an toàn, tuân thủ quy định,…; (2) tiết kiệm chi phí; (3) hỗ trợ sức khỏe con người và sinh thái bền vững.

Liên minh Bao bì Bền vững (SPC) cũng đưa ra bộ 8 tiêu chí để đánh giá bao bì là bền vững:

1. Có lợi, an toàn và lành mạnh cho cá nhân và cộng đồng trong suốt vòng đời của nó.

2. Đáp ứng các tiêu chí thị trường về hiệu suất và chi phí.

3. Có nguồn gốc, sản xuất, vận chuyển và tái chế bằng năng lượng tái tạo.

4. Tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái tạo hoặc tái chế.

5. Được sản xuất bằng công nghệ sản xuất sạch và thực hành tốt nhất.

6. Được làm từ vật liệu lành mạnh trong suốt vòng đời.

7. Được thiết kế vật lí để tối ưu hóa vật liệu và năng lượng.

8. Được phục hồi và sử dụng một cách hiệu quả trong các chu trình khép kín sinh học/hoặc công nghiệp.

Thiết kế bao bì bền vững

Thiết kế bao bì bền vững cũng xem xét đến nhiều vấn đề liên quan đến môi trường như sử dụng nước, sử dụng năng lượng, tái sử dụng, tái chế, …

Một số yếu tố cụ thể này, có thể bao gồm:

- Sử dụng vật liệu tối thiểu - giảm bao bì, giảm lớp bao bì, khối lượng thấp hơn (tỷ lệ sản phẩm trên bao bì),…

- Sử dụng năng lượng: tổng mức sử dụng năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng sạch,…

- Bao bì có thể tái sử dụng: tái sử dụng nhiều lần bao bì, tái sử dụng cho các mục đích khác,…

- Sử dụng các vật liệu tái tạo, phân hủy sinh học và có thể phân hủy.

- Tránh sử dụng các vật liệu độc hại cho con người và môi trường.

- Ảnh hưởng đến khí hậu - tầng ozone, khí nhà kính (CO2 và CH4),…

- Sử dụng nước, tái sử dụng, xử lý, chất thải,…

- Khả năng tái chế: giá trị thu hồi, sử dụng các vật liệu được tái chế thường xuyên và dễ dàng, giảm các vật liệu cản trở khả năng tái chế của các thành phần chính,…

- Nội dung tái chế. Đối với các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, cần có những cân nhắc đặc biệt về an toàn, đặc biệt đối với việc sử dụng nhựa và giấy tái chế. Các quy định được công bố theo từng quốc gia hoặc khu vực.

- Tác động của người lao động: sức khỏe nghề nghiệp, an toàn, công nghệ sạch,…

Lợi ích của bao bì bền vững

Phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng

Nhận thức sâu sắc về tác động của bao bì nhựa môi trường của người tiêu dùng khiến họ có những hành động thiết thực trong việc hưởng ứng sử dụng bao bì bền vững. Nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới đang tìm kiếm và sử dụng các loại bao bì dễ xử lí và có trách nhiệm với môi trường mà không tạo ra chất thải hoặc hạt vi nhựa gây nguy hại cho môi trường. Theo một cuộc khảo sát ở Anh, 69% số người được hỏi bày tỏ ngành công nghiệp thực phẩm nên chuyển sang dùng bao bì có thể phân hủy. 58% cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các loại sản phẩm có thể phân hủy.

Giảm tác động đến môi trường

Việc sử dụng các bao bì có thể phân hủy, các doanh nghiệp có thể góp phần làm giảm những tác động đến môi trường, tạo ra một thế giới xanh-sạch-đẹp hơn.

Lưu trữ hiệu quả hơn

Sử dụng bao bì bền vững giúp lưu trữ và bảo quản hiệu quả hơn nhờ loại bao bì này giảm vật liệu đóng gói và giảm thiểu chất thải.

Giảm chi phí vận chuyển

Bao bì bền vững giúp tối giản vật liệu cũng như trọng lượng của bao bì. Từ đó, giúp giảm chi phí vận chuyển.

Đi trước tương lai

Bao bì bền vững được xem là tương lai của ngành thực phẩm cũng như nhiều ngành công nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy trong việc bắt đầu đặt nền móng cho việc chuyển đổi sang sử dụng bao bì bền vững.