Hotline : 02583 978585

BLUE ECONOMY - TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC

Thứ năm, 24/08/2023, 13:02 GMT+7

Nền kinh tế xanh là gì?

Kinh tế xanh (Blue economy) là một thuật ngữ kinh tế học liên quan đến khai thác, bảo tồn và tái tạo môi trường biển. Mặc dù, có sự khác biệt về cách giải thích giữa các tổ chức khác nhau, tuy nhiên, “blue economy” thường được sử dụng trong phạm vi phát triển quốc tế khi mô tả cách tiếp cận phát triển bền vững đối với các tài nguyên ven biển. Đây là nền kinh tế dựa trên biển mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho các thế hệ hiện tại và tương lai; phục hồi, bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, năng suất và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; và dựa trên các lĩnh vực kinh tế biển mới như công nghệ sạch, năng lượng tái tạo,...

Blue economy có thể bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau: từ các hoạt động truyền thống như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển và hàng hải,... đến các hoạt động mới nổi như năng lượng tái tạo ven biển, dịch vụ sinh thái biển, khai thác dưới đáy biển và triển vọng sinh học.

Tiềm năng và thách thức

Kinh tế xanh (blue economy) hướng tới các hoạt động dịch vụ hệ sinh thái đại dương đóng góp đáng kể cho hoạt động kinh tế, tuy nhiên chưa bị thị trường tiếp cận sâu. Các lĩnh vực này bao gồm hấp thụ carbon, bảo vệ bờ biển, xử lý chất thải và đa dạng sinh học. Bên cạnh các hoạt động đại dương truyền thống như đánh cá, du lịch và vận tải biển, nền kinh tế xanh còn kéo theo các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, hoạt động khai thác đáy biển, công nghệ sinh học biển và thăm dò sinh học.

Theo báo cáo tóm tắt của WWF (2015), giá trị của các tài sản trên đại dương lên đến hơn 24 nghìn tỷ đô la Mỹ. Nuôi trồng thủy sản và năng lượng gió vẫn còn nhiều không gian để phát triển. Nuôi trồng thủy sản cũng là ngành thực phẩm phát triển nhanh nhất và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh lương thực của các nước nghèo nhất. Bên cạnh đó, tiềm năng của du lịch biển vô cùng lớn khi đây là một trong những hoạt động kinh tế dựa trên biển phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới. Nền kinh tế xanh còn đóng góp vào phát triển xã hội khi mang đến việc làm cho hàng triệu người lao động. Chỉ riêng ở Liên minh Châu Âu, nền kinh tế xanh đã tuyển dụng hơn 3.3 triệu người (2014).

Mặc dù, có rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên nền kinh tế xanh cũng đang đứng trước một số thách thức nhất định. Trong đó, ba thách thức đáng kể nhất được nêu ra bao gồm (1) suy giảm nhanh chóng các nguồn tài nguyên đại dương do các xu hướng kinh tế hiện nay; (2) Thiếu đầu tư vào nguồn nhân lực cho việc làm và phát triển trong các lĩnh vực kinh tế xanh sáng tạo; (3) Chăm sóc không đầy đủ đối với tài nguyên biển và các dịch vụ hệ sinh thái của đại dương.

“Đại dương là nền tảng cho sự sống trên Trái Đất bao phủ gần ba phần tư hành tinh của chúng ta. Nó tạo ra hơn một nửa lượng oxy mà chính ta hít thở. Tuy nhiên, các đại dương của chúng ta đang tiến sâu hơn vào cuộc khủng hoảng sinh thái vào đúng thời điểm chúng ta cần chúng hơn bao giờ hết.” - Frederick Kwame, Giám đốc Khu vực WWF Châu Phi.

Bên cạnh tiềm năng lớn chưa được khai thác, nền kinh tế xanh vẫn đang đứng trước những thách thức liên quan đến các tài nguyên đại dương. Trọng điểm của việc phát triển bền vững cũng chính là những nguyên tắc cốt lõi của nền kinh tế xanh, đó là làm thế nào để phát triển kinh tế bền vững, đồng thời với việc hồi phục, bảo tồn và duy trì các hệ sinh thái biển một cách bền vững. Nói cách khác, phát triển kinh tế phải vừa tôn trọng môi trường, vừa tìm được sự cân bằng giữa các không gian kinh tế, xã hội và môi trường. Đây cũng chính là điểm độc đáo và tiên tiến của nền kinh tế này.