Hotline : 02583 978585

CANH TÁC GẠO CARBON THẤP (LOW CARBON RICE) Ở VIỆT NAM - TIỀM NĂNG KINH TẾ VÀ SINH THÁI

Thứ năm, 28/09/2023, 14:02 GMT+7

Bạn có biết, nông nghiệp được xem là một lĩnh vực tạo ra lượng khí thải nhà kính đáng kể? Theo ước tính của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), khoảng 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các hoạt động sử dụng đất khác. Trong đó, 12% là khí thải trực tiếp từ sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi và phân bón.

Ở Việt Nam, lúa gạo được xem là một nông sản quan trọng. Chúng chiếm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời cũng tạo ra 48% phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mêtan (CH4). Chính vì thế, việc chuyển đổi sang một phương thức canh tác mới như lúa gạo carbon thấp (low carbon rice) chính là một chiến lược quan trọng để làm giảm lượng khí thải nhà kính. Phương thức canh tác này là một phần của quá trình chuyển đổi xanh trong nông nghiệp.

Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới, việc chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mêtan vào năm 2030, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này. Cũng theo tổ chức này, thông qua việc chuyển đổi phương thức canh tác lúa gạo carbon thấp, Việt Nam có thể cắt giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và tăng sản lượng, cũng như tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cần có sự đầu tư đáng kể, cải cách chính sách để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích cũng như phải có sự phối hợp của các bên liên quan.

Các dự án canh tác lúa gạo carbon thấp đã từng được triển khai ở Việt Nam từ những năm 2010 trên một số tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2010 - 2011, Quỹ bảo vệ môi trường (EDF) đã từng kết hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (MDI) của Đại học Cần Thơ, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang (AG DARD), và Phòng thí nghiệm tiên tiến của Đại học Cần Thơ (CTU) và Phòng thí nghiệm Đại học Thủy Lợi (WRU) để triển khai dự án canh tác lúa gạo carbon thấp trên 100 ha tại tỉnh An Giang (vụ đông xuân) và (vụ hè thu) mở rộng thành 250 ha ở An Giang và 140 ha ở tỉnh Kiên Giang.

Phương thức canh tác lúa gạo carbon thấp hứa hẹn sẽ vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh về ngành xuất khẩu này của Việt Nam, trong khi vừa mang lại lợi ích về môi trường sinh thái.

Việc mở rộng quy mô của phương thức canh tác lúa gạo carbon thấp trên toàn ngành nông nghiệp có thể giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 - theo Giám Đốc Khu vực về Phát triển Bền vững của Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.