Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn lớn. Theo một thống kê của ngành lâm nghiệp, năm 2019 diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam là 256,3 nghìn ha. Riêng rừng đước Năm Căn có diện tích đứng thứ hai thế giới.
Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc thu giữ CO2, cũng như là hàng rào tự nhiên để chống lại các thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt, sóng thần, nước biển dâng và xói mòn, rừng ngập mặn còn là môi trường sống an toàn và bền vững của các loài cá và động vật giáp xác.
Rừng ngập mặn với các loài cây phổ biến như đước, bần, sú, vẹt, mắm,... Dưới tán rừng là không gian sinh trưởng lí tưởng của nhiều loài thủy sản tự nhiên như tôm, cua, cá, vọp, ốc len,... Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án nuôi tôm sinh thái. Các dự án nuôi tôm sinh thái không những có giá trị về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa trong việc kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng. Ở nước ta đã bắt đầu xuất hiện các mô hình farm tôm sinh thái trong rừng đước. Chẳng hạn như các trang trại tôm sinh thái ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi (Cà Mau).
Nuôi tôm sinh thái chính là nuôi tôm trong môi trường tự nhiên của rừng ngập mặn. Nguồn tôm giống được kiểm soát, không sử dụng bất kì hóa chất nào làm ảnh hưởng đến nguồn tôm cua cá thiên nhiên. Con tôm tự kiếm ăn và lớn lên trong môi trường tự nhiên. Môi trường nước và chung quanh phải đảm bảo không ô nhiễm. Chỉ đến khi tôm lớn, đạt trọng lượng tiêu chuẩn thì mới được tiến hành thu hoạch.
Ảnh từ Internet
Nhờ được nuôi ở rừng ngập mặn với nguồn nước không bị ô nhiễm và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, con tôm sinh thái có kích thước lớn, thịt săn chắc, thơm ngon hơn so với con tôm được nuôi trồng thông thường. Thơm ngon và bổ dưỡng, con tôm sinh thái xứng đáng là sản vật của vùng đất rừng ngập mặn. Giữ được sự thuần khiết của tự nhiên bên trong, mang đến sự an tâm cho người tiêu dùng chính là điểm nổi bật của các sản phẩm tôm sinh thái. Không chỉ được ưa chuộng trong nước, các sản phẩm tôm sinh thái từ rừng ngập mặn Việt Nam còn được giới thiệu và quảng bá đến nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu.
Mô hình nuôi tôm sinh thái là một mô hình kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh. Song hành với việc phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân ven biển, mô hình này còn góp phần bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn - một trong những hệ sinh thái có tiềm năng lớn trong việc thu giữ carbon trên Trái Đất.