Hotline : 02583 978585

ĐỒNG CỎ BIỂN - MỘT HỆ SINH THÁI BLUE CARBON CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ

Thứ tư, 16/08/2023, 13:07 GMT+7

Không chỉ rừng ngập mặn, đồng cỏ biển cũng được xem là một hệ sinh thái biển có vai trò lớn trong việc thu giữ carbon trong khí quyển và đại dương.

Cỏ biển là loài thực vật có hoa ngập nước, có rễ ăn sâu, được tìm thấy ở các đồng cỏ dọc theo bờ biển của mọi châu lục (trừ Nam Cực). Sở dĩ, các loài thực vật có hoa này được gọi là cỏ biển là bởi vì lá của nhiều loài trong số chúng dài và mảnh như cỏ, đồng thời chúng thường mọc thành từng “cánh đồng” lớn trông như đồng cỏ.

Đồng cỏ biển có tầm quan trọng lớn đối với môi trường. Hệ sinh thái này có vai trò lớn trong việc lắng đọng trầm tích, giúp chắn sóng, cung cấp oxy và chống xói mòn ven biển,... Bên cạnh đó, đồng cỏ biển còn là môi trường sống quan trọng đối với các loài sinh vật biển. Đây là nơi trú ngụ của hàng trăm loài sinh vật biển như cá (non và trưởng thành), thực vật biểu sinh, rong biển, vi tảo, động vật thân mềm, giun nhiều tơ và giun tròn. Cỏ biển còn là mắt xích trong trọng trong chuỗi thức ăn của các loài động vật ăn cỏ biển như đồi mồi dứa, cá cúi, lợn biển, cá, thiên nga, cầu gai và cua. Một số loài cá chỉ chọn đồng cỏ biển để trú ngụ hay dùng cỏ làm thức ăn nuôi cá con trong đám thực vật ngập mặn và rạn san hô gần bãi cỏ.

Không chỉ là một hệ sinh thái đa dạng và có năng suất sinh học cao, đồng cỏ biển còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cô lập carbon. Chỉ chiếm chưa đến 0.2% diện tích các đại dương trên thế giới, nhưng đồng cỏ biển có khả năng cô lập tới khoảng 10% lượng carbon bị chôn vùi trong trầm tích đại dương hằng năm (tương đương 27.4 Tg carbon/năm). Tốc độ hấp thụ carbon của cỏ biển nhanh hơn 35 lần so với rừng nhiệt đới. Mỗi ha cỏ biển có khả năng lưu trữ lượng carbon gấp đôi so với rừng trên cạn. Carbon tích tụ trong cỏ biển theo thời gian và được lưu trữ hầu như hoàn toàn trong đất, có thể đạt tới độ sâu 4 m. Chúng hút CO2 từ nước như một phần của quá trình quang hợp và giữ nó trong bùn. Tổng khả năng lưu trữ carbon của hệ sinh thái cỏ biển trên toàn cầu có thể lên tới 19.9 tỷ tấn.

Đối với những vùng địa lí có ít rừng trên cạn nhưng có lợi thế về biển thì các hệ sinh thái biển chính là một “nhà máy tự nhiên khổng lồ” để hấp thụ carbon. Đồng cỏ biển cùng với rừng ngập mặn và đầm thủy triều chính là những hệ sinh thái carbon xanh tuyệt vời nhất.

Mặc dù, đồng cỏ biển có tầm quan trọng lớn trong việc lưu trữ carbon, tuy nhiên hệ sinh thái này đang đứng trước sự đe doạ trầm trọng bởi những tác động tiêu cực (như suy thoái chất lượng nước do phá rừng hay nạo vét). Đã có khoảng 29% hệ sinh thái cỏ biển trên toàn cầu bị biến mất. Mức độ tổn thất toàn cầu hằng năm được cho là khoảng 1.5% và đang có xu hướng tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây.

Sự suy thoái của hệ sinh thái đồng cỏ biển gắn liền với việc mất dần đi một hệ sinh thái cô lập carbon tiềm năng trên toàn cầu. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Không chỉ rừng trên cạn hay rừng ngập mặn, đồng cỏ biển với tầm quan trọng của mình, cũng là một trong những hệ sinh thái đặc biệt cần được duy trì và bảo vệ.