Hotline : 02583 978585

HỆ SINH THÁI RỪNG VÀ BIỂN. “SONG KIẾM HỢP BÍCH” TRONG LƯU TRỮ CARBON

Thứ năm, 10/08/2023, 13:40 GMT+7

Hệ sinh thái rừng và biển được ghi nhận là hai loại hình hệ sinh thái có khả năng lưu trữ carbon đáng kể. Khả năng lưu trữ carbon liên quan lớn đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, hệ sinh thái rừng và biển được xem là hai hệ sinh thái quan trọng bậc nhất trên Trái Đất trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Hệ sinh thái rừng cho thấy tiềm năng lớn trong việc cô lập và lưu trữ carbon. Không chỉ rừng, các hệ sinh thái vườn rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ carbon trong khí quyển. Một số nghiên cứu cho thấy một hệ sinh thái vườn rừng phát triển tối đa có khả năng cô lập trung bình tới 6.6 tấn carbon/ha. Việc các hệ sinh thái rừng bị phá hủy đồng nghĩa với việc phần lớn hệ sinh thái lưu trữ carbon trên cạn bị mất đi. Bên cạnh việc bảo tồn và phục hồi rừng, việc kiến tạo các hệ sinh thái vườn rừng cũng có tầm quan trọng không kém trong việc duy trì việc cô lập và lưu trữ carbon ở trên cạn.

Các hệ sinh thái biển bao gồm rừng ngập mặn, đầm thủy triều và đồng cỏ biển. Ba hệ sinh thái này đều được ghi nhận có khả năng lưu trữ một lượng carbon khổng lồ. Tỷ lệ cô lập carbon trung bình hằng năm của rừng ngập mặn và đầm thủy triều tương đương nhau, và trung bình là 6-8 Mg CO2e/ha (Mg CO2 tương đương mỗi ha). Trong khi đó, đồng cỏ biển có khả năng hấp thụ carbon nhanh hơn khoảng 35 lần so với cây cối.

Tổng lượng carbon mà các hệ sinh thái biển lưu trữ chiếm tới 10% lượng carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái, trong khi chúng chỉ chiếm khiêm tốn 0.7% diện tích các hệ sinh thái trên Trái Đất. Đây là một con số đáng kinh ngạc về khả năng lưu trữ carbon của hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, khi hệ sinh thái này bị suy thoái, một lượng khí thải tương đương đã từng được lưu trữ sẽ thải ra trở lại khí quyển. Điều này thực sự là một hồi chuông cảnh báo cho con người trong việc hành động để bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển.

Các hệ sinh thái rừng và biển bị mất đi dẫn đến sự tổn thất to lớn và đứt gãy trong việc lưu trữ carbon. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự tăng tốc của quá trình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái rừng và biển có ý nghĩa quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhân loại cần phải hưởng ứng và chung tay hành động trong việc bảo vệ các hệ sinh thái đặc biệt, độc đáo và dễ bị tổn thương này trước những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế và xã hội.