Hotline : 02583 978585

MỘT SỐ GỢI Ý ĐỂ LÀM GIẢM DẤU CHÂN CARBON CỦA BẠN

Thứ năm, 19/10/2023, 13:12 GMT+7

Dấu chân carbon (Carbon Footprint) là gì?

Dấu chân carbon đóng vai trò là chỉ số để so sánh tổng lượng khí nhà kính phát thải từ một hoạt động, sản phẩm, công ty hoặc quốc gia. Nó liên quan tới hành động và lựa chọn của con người ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng.

Dấu chân carbon được đo bằng tổng lượng khí nhà kính, bao gồm carbon dioxide (CO2) và metan (CH4) được tạo ra bởi các hành động, thói quen của con người. Các loại khí thải nhà kính được tạo ra thông qua các hoạt động khác nhau của con người như hoạt động công nghiệp, đốt nhiên liệu trong quá trình vận chuyển, sinh hoạt, thương mại, chất thải phát sinh không được xử lý và tái chế hợp lí,...

Dấu chân carbon thường được báo cáo bằng tấn phát thải (tương đương CO2) trên mỗi đơn vị so sánh; chẳng hạn như mỗi năm, người, km đã đi và những thứ tương tự. Đối với một sản phẩm, lượng khí thải carbon của nó bao gồm lượng khí thải trong toàn bộ vòng đời từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ và thải bỏ. Tương tự, đối với một tổ chức, lượng khí thải carbon của tổ chức đó bao gồm lượng phát thải trực tiếp cũng như gián tiếp họ gây ra.

Trong bối cảnh nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, dấu chân carbon có thể giúp phân biệt các hoạt động gây ra dấu chân lớn với các hoạt động gây radấu chân nhỏ. Khái niệm dấu chân carbon cho phép mọi người so sánh giữa các tác động liên quan đến khí hậu của các cá nhân, sản phẩm, công ty, quốc gia. Từ đó, nó sẽ giúp đưa ra các chiến lược và ưu tiên để giảm lượng khí thải carbon.

Tác động của dấu chân carbon

Tác động đến môi trường

Tác động lớn nhất của dấu chân carbon là đến môi trường. Tỷ lệ carbon dioxide trong khí quyển tăng lên kéo theo hàng loạt các biến đổi khác về môi trường như nhiệt độ tăng, mưa kéo dài, bão nhiệt đới, cháy rừng và các hiện tượng bất thường khác. Dấu chân carbon thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, những thay đổi về điều kiện khí hậu còn gây ảnh hưởng lớn tới các hệ sinh thái.

Tác động đến sức khỏe con người

Con người ngày càng mắc nhiều hơn các loại bệnh tật khác nhau liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí, đất, nước và thực phẩm. Riêng ô nhiễm không khí đã làm gia tăng một số vấn đề sức khỏe như dị ứng, hen suyển, viêm phế quản,...

Tác động đến động vật hoang dã

Cuộc sống của nhiều loài động vật hoang dã bị đe dọa, thậm chí là tuyệt chủng bởi sự bất thường của các kiểu thời tiết do ô nhiễm gia tăng và nóng lên toàn cầu. Nạn đói, di cư và tuyệt chủng của động vật có thể liên quan tới sự xáo trộn gia tăng trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thực vật và động vật. Các mô hình đa dạng sinh học trên trái đất bị suy giảm, sự tồn tại các các sinh vật sống trên hành tinh bị đe dọa bởi sự thiếu vắng môi trường sống tự nhiên và mức độ ô nhiễm tăng lên.

Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Lượng khí thải carbon liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm được cho là ảnh hưởng tới nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên của một số quốc gia. Điều này dẫn tới, các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và trồng trọt phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và thu nhập thấp hơn.

Một số gợi ý để làm giảm dấu chân carbon của bạn

Năng lượng

Mua sắm các thiết bị tiết kiệm điện

Sử dụng năng lượng tái tạo

Cài đặt tấm quang năng hoặc chuyển đổi sang năng lượng xanh

Chuyển sang bóng đèn LED

Sử dụng pin sạc

Tắt nguồn hoặc rút phích cắm các thiết bị điện tử khi không sử dụng

Giữ nhiệt độ phòng vừa phải (điều hòa)

Đợi quần áo đầy mới bật máy giặt

Phơi khô quần áo tự nhiên

Thực phẩm

Chế độ ăn thuần chay

Ăn thực phẩm hữu cơ

Mua thực phẩm địa phương

Ăn thực phẩm theo mùa

Giảm thiểu lãng phí thực phẩm

Mua sắm

Mua những hàng hóa tạo ra ít carbon hơn

Chọn các sản phẩm có thể tái sử dụng, loại bỏ đồ dùng một lần

Mua sắm những món đồ được đóng gói với ít bao bì hơn

Nâng cấp các đồ dùng nhà bếp

Đi lại/vận chuyển

Đi cầu thang bộ

Sử dụng xe chạy bằng điện

Sử dụng phương tiện công cộng

Đi ít chuyến bay hơn