Nhựa có nguồn gốc sinh học (Bio-based plastic) là một trong ba nhóm nhựa sinh học (bioplastics) phổ biến theo Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu (European Bioplastics). Cùng tìm hiểu xem loại nhựa này là gì, cũng như ưu điểm và hạn chế của chúng so với các nhóm nhựa sinh học còn lại nhé!
Nhựa có nguồn gốc sinh học (Bio-based plastic) có nguồn gốc phi dầu mỏ. Chúng được làm hoàn toàn hoặc một phần từ những nguyên liệu thực vật, thay vì từ nhiên liệu hóa thạch.
Nhựa có nguồn gốc sinh học có thể được sản xuất từ nguyên liệu thực vật tái tạo như tinh bột, cellulose, dầu (VD: dầu hạt cải), lignin (gỗ), protein và polysacarit (VD: xylan). Những tiến bộ công nghệ gần đây cũng cho thấy có thể sử dụng chất thải hữu cơ và nhựa dầu (VD: PET) để sản xuất nhựa sinh học tổng hợp (như polyhydroxyalkanoates hoặc PLA). Phần lớn nhựa có nguồn gốc sinh học hiện nay được sản xuất từ nguyên liệu tinh bột (chiếm khoảng 80%).
Không phải tất cả các loại nhựa có nguồn gốc sinh học đều có khả năng phân hủy sinh học. Nhựa sinh học có thể phân hủy sinh học (trong các môi trường cụ thể) hoặc không phân hủy sinh học. Thuật ngữ “có nguồn gốc dựa trên sinh học” (Bio-based plastic) chỉ đề cập đến nguyên liệu để tạo ra chúng, không liên quan đến những gì xảy ra với chúng vào cuối vòng đời.
Một số loại nhựa có nguồn gốc sinh học phổ biến trên thị trường hiện nay, bao gồm Bio-PP, Bio-PE, Bio-PET, Bio-PA, Bio-PTT,... Những loại nhựa sinh học thuộc nhóm này có các đặc tính giống hệt với phiên bản nhựa PP, PE, PET,… có nguồn gốc dầu mỏ của chúng.
Ưu điểm
Nhựa có nguồn gốc sinh học có thể làm giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch đang ngày càng khan hiếm.
Nâng cao giá trị của các sản phẩm phụ nông nghiệp, giúp ích cho nông dân và nền kinh tế nông thôn.
Những nguyên liệu thô có giá trị có thể thu hồi và tái chế thành các sản phẩm gia tăng.
Loại nhựa này thích hợp để tạo thành các sản phẩm ứng dụng có tuổi thọ dài, như phụ tùng ô tô.
Thách thức
Chi phí để sản xuất các loại nhựa sinh học nói chung và nhựa có nguồn gốc sinh học nói riêng đắt hơn so với nhựa thông thường.
Bên cạnh đó, nhựa có nguồn gốc sinh học còn đối mặt với thách thức từ nhu cầu thu gom và phân loại các dòng chất thải hữu cơ.
Ứng dụng
Các loại nhựa có nguồn gốc sinh học (Bio-based plastic) như PLA, Bio-PET, Bio-PE,… chủ yếu được ứng dụng trong các lĩnh vực đóng gói. Bên cạnh đó, loại nhựa này còn được sử dụng trong lĩnh vực dệt may, thể thao, ô tô, nông nghiệp,…
Nhựa có nguồn gốc từ sinh học (Bio-based plastic) là một nhóm nhựa sinh học tiềm năng. Chúng có cả những ưu điểm và hạn chế nhất định. Và hứa hẹn sẽ mang đến tiềm năng lớn khi biết tận dụng và tối ưu tiềm năng của chúng. Loại nhựa này cũng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.