Hotline : 02583 978585

NÔNG LÂM KẾT HỢP - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG VIỆC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN ĐẤT

Thứ năm, 31/08/2023, 23:37 GMT+7

Nông lâm kết hợp được ghi nhận là một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững một cách toàn diện về cả kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Mỗi một khía cạnh nhỏ hơn của nông lâm kết hợp cũng cho thấy tinh thần phát triển bền vững của nó, chẳng hạn như trong việc sử dụng tài nguyên đất.

1. Mọi loại đất đều khả thi

Các mô hình nông lâm kết hợp có thể triển khai ở hầu hết mọi loại đất với tính chất khác nhau. Không chỉ ở những vùng đất có lợi thế sẵn có, những vùng đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng hoàn toàn có thể trở nên phì nhiêu theo thời gian hơn khi thực hiện các dự án vườn rừng. Thông qua các dự án vườn rừng, theo thời gian, hoàn toàn có thể chứng kiến sự thay đổi đáng kinh ngạc của những vùng đất vốn trơ trọi, khô cằn sỏi đá trở thành những mảng màu xanh mát với mật độ cây trồng dày đặc và đa dạng sinh thái từ vườn rừng.  

Khi nắm vững các nguyên tắc thực hành nông lâm kết hợp, chúng ta có thể ứng dụng sang bất kì một thổ nhưỡng hay khí hậu nào. Điều này cũng cho thấy tính linh hoạt trong việc sử dụng tài nguyên đất cũng như các yếu tố địa lý khác của vườn rừng.

2. Đảm bảo đất luôn được bao phủ vĩnh viễn bằng chất hữu cơ

Đây là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong thực hành vườn rừng. Phủ đất bằng chất hữu cơ giúp bồi đắp dinh dưỡng cho đất, giữ ẩm cũng như giảm thoát hơi nước. Nguyên tắc giữ đất luôn được bao phủ còn được thể hiện thông qua tinh thần “cái gì của đất thì trả về cho đất”. Cắt tỉa, cũng như một phần sinh khối của cây sau khi thu hoạch, được trả về cho đất để bù đắp lại lượng dinh dưỡng cây đã nhận được trong quá trình sinh trưởng. Duy trì sự khỏe mạnh và trù phú của đất theo thời gian chính là một biểu hiện của sự phát triển bền vững.

3. Không chỉ duy trì, mà còn làm giàu cho đất

Đồng thời với nguyên tắc giữ đất luôn được bao phủ, theo thời gian, đất trong vườn rừng ngày càng được bồi đắp trở nên phì nhiêu hơn. Chiến lược trồng các cây họ đậu, phân xanh, phân hữu cơ từ chăn nuôi,... giúp các thành phần trong đất ngày càng được chuyển hóa. Dễ nhận thấy, tài nguyên đất của các mô hình vườn rừng ngày càng trở nên màu mỡ và tơi xốp. Phát triển bền vững vốn không chỉ dừng lại ở sự ổn định mà còn không thể thiếu được sự bồi đắp và làm giàu đẹp thêm.

Phát triển bền vững của vườn rừng mang tính tổng quát nhưng cũng bắt nguồn từ những vấn đề nhỏ hơn, chẳng hạn như việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Đất là một loại tài nguyên quan trọng trong nông nghiệp nói chung và nông lâm kết hợp nói riêng. Chính vì vậy, sự phát triển bền vững của vườn rừng không thể không nhắc tới việc sử dụng tài nguyên đất một cách bền vững và hiệu quả.