Khái niệm kinh tế tuần hoàn (circular economy) được sử dụng chính thức lần đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990). Khái niệm này dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thức đều là đầu vào đối với thứ khác”. Đây là một góc nhìn hoàn toàn mới so với nền kinh tế tuyến tính (linear economy).
Khác với nền kinh tế tuyến tính (các tài nguyên chỉ đi theo một chiều, từ khai thác, sản xuất đến vất bỏ sau tiêu thụ dẫn tới lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ), kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thông tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (reuse) thông qua chia sẻ (sharing), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải. Có thể hiểu một cách đơn giản kinh tế tuần hoàn biến “phế thải” của một quy trình sản xuất tiêu dùng thành nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác.
Mô hình nông nghiệp sinh thái tái tạo vườn rừng là một trong những mô hình vận dụng một cách nhuần nhuyễn mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình nông nghiệp này mang tinh thần tái tạo cao, hướng tới sự tự vận hành hệ thống bằng cách chính nguồn tài nguyên có sẵn trong nó, hạn chế tối đa các nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.
Vườn rừng được thiết kế một cách tối ưu dựa trên việc thấu hiểu về các đặc điểm tự nhiên của bản địa như địa hình, thời tiết, khí hậu,... Các vùng đồi dốc được thiết kế trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp với cây gỗ rừng bản địa tự nhiên có sẵn, vùng bằng phẳng dùng để trồng các loại rau theo mùa, vùng trũng thấp thường được thiết kế để làm hồ chứa nước hoặc ao nuôi cá.
Một mô hình nông nghiệp vườn rừng hoàn chỉnh thường có sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Động vật trong vườn rừng thường được chăn thả tự nhiên trong một khu vực nhất định. Nguồn thức ăn của các loài động vật này đến từ chính vườn rừng, như các loài cây cỏ tự nhiên hay một phần rau ráng thu hoạch từ trồng trọt. Gà, vịt, lợn, dê, cừu,... là một số loài động vật thường được nuôi trong vườn rừng. Nguồn phân từ chăn nuôi được xử lí để làm phân bón hữu cơ quay trở lại cho việc trồng trọt. Ngoài ra, vườn rừng còn nhận lại được một nguồn phân bón hữu cơ lớn từ thực vật, thông qua việc cắt tỉa hay ủ các phế phẩm sau thu hoạch. Điều này phản ánh rõ nét tinh thần tái tạo bền vững “cái gì của đất thì trả về cho đất”.
Một mô hình vườn rừng trưởng thành có thể đạt đến khả năng tự vận hành hệ thống một cách khép kín. Nguồn phân bón hữu cơ được sinh ra từ trong chính hệ thống, thông qua hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, và quay trở lại để phục vụ cho hệ thống. Nguồn nước được duy trì và ổn định từ nước mưa, nước suối, hồ trữ nước,... Lượng cây trồng với mật độ cao trong vườn rừng cũng hấp thu một lượng carbon khổng lồ, đồng thời sản sinh ra một lượng O2 lớn. Điều này cũng gián tiếp góp phần vào chu trình nước và điều hòa vi khí hậu của khu vực.
Vườn rừng là một mô hình nông nghiệp tạo ra một lượng thực phẩm lớn và đa dạng từ nguồn nguyên liệu đầu vào tối thiểu. Mô hình này mang lại hiệu quả trong việc gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tất cả những điều này đều phản ánh tinh thần đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn. Xây dựng mô hình vườn rừng theo kinh tế tuần hoàn chính là một hướng đi bền vững để phát triển kinh tế và môi trường.