Hotline : 02583 978585

TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA NHỰA SINH HỌC

Thứ năm, 14/12/2023, 11:08 GMT+7

Nhựa sinh học được cho là giải pháp bền vững hơn cho môi trường, so với nhựa thông thường. Tuy nhiên, cần phân tích chi tiết về tác động tích cực lẫn tiêu cực của loại nhựa này, để đưa ra một cái nhìn toàn diện và đánh giá khách quan nhất.  

Bên cạnh những tác động tích cực về môi trường, nhựa sinh học cũng bộc lộ một số tác động tiêu cực tiềm ẩn đáng xem xét. Bài viết này sẽ tìm hiểu về bức tranh lớn của nhựa sinh học đối với những tác động đến môi trường, cả tích cực lẫn tiêu cực.

1. Tác động tích cực:

Giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo

Hầu hết nguyên liệu để sản xuất nhựa sinh học đều có nguồn gốc từ sinh khối. Chính vì vậy, chúng giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, so với sản xuất nhựa thông thường có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Tiêu tốn ít năng lượng hơn để sản xuất

Việc sản xuất nhựa sinh học được cho là tiêu tốn ít năng lượng hơn so với  nhựa truyền thống. Điều này đến từ việc nguyên liệu thô có nguồn gốc tự nhiên ít đòi hỏi quá trình xử lí và tiêu thụ năng lượng hơn. Cộng thêm quy trình sản xuất chỉ yêu cầu một mức nhiệt thấp hơn, vì vậy giúp làm giảm năng lượng cần thiết để sản xuất. Một nghiên cứu được công bố năm 2020 trên tạp chí Spinger [1] đã ghi nhận nhựa sinh học cần ít năng lượng hơn 65% so với nhựa thông thường.

Giảm lượng khí thải nhà kính

Nhựa sinh học được đánh giá là giúp làm giảm phát thải khí nhà kính. Điều này là nhờ vào nguồn nguyên liệu thô có thể tái tạo và trung hòa carbon. Một nghiên cứu năm 2017 xác định rằng việc chuyển từ nhựa truyền thống sang PLA từ ngô sẽ cắt giảm 25% lượng khí thải nhà kính của Hoa Kỳ [2]. Nhựa PLA Ingeo cũng được ghi nhận là thải ra lượng khí thải nhà kính ít hơn 80% so với nhựa PET thông thường.

Giảm rác thải nhựa ra môi trường

Một số loại nhựa sinh học có khả năng phân hủy sinh học. Sau khi quá trình phân hủy hoàn tất chỉ còn lại những chất vô hại như H2O, phân hữu cơ,... Một số loại nhựa sinh học khác có khả năng tái chế để tiếp tục vòng đời mới. Điều này giúp làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra các bãi chôn lấp và đại dương.

2. Tác động tiêu cực tiềm ẩn:

Cạnh tranh với sản xuất lương thực

Nhiều tài liệu cho rằng sản xuất nhựa sinh học cạnh tranh với sản xuất lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, theo số liệu ước tính của Viện Nhựa sinh học và vật liệu tổng hợp sinh học (The Institute for Bioplastics and biocomposites) , nguyên liệu để sản xuất nhựa sinh học hiện chỉ chiếm 0,02 % diện tích đất nông nghiệp [2]. Dù vậy, việc mở rộng quy mô và năng suất sản xuất nhựa sinh học trong tương lai có thể kéo theo việc mở rộng diện tích canh tác nguyên liệu tương ứng. Do đó, viễn cảnh về sự cạnh tranh với sản xuất nông nghiệp cũng có khả năng xảy ra và đáng để xem xét.

Có thể góp phần gây ô nhiễm nhựa nếu không được xử lí đúng cách

Các loại nhựa sinh học có thể phân hủy hoặc có thể phân hủy sinh học đều cần có những điều kiện nhất định để quá trình phân hủy diễn ra. Các cơ sở thu gom, xử lí, tái chế nhựa sinh học mang tính chuyên biệt và hiện vẫn còn chưa phổ biến. Vì vậy, nếu không được xử lí và tái chế đúng cách, nhựa sinh học vẫn có thể góp phần gây ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Một số vấn đề khác

Ngoài ra, việc sản xuất nhựa sinh học còn được cho rằng có thể đi kèm với một số tác động tiêu cực đến môi trường như làm khan hiếm và cạn kiệt tài nguyên đất, nước; góp phần ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác nguyên liệu thô; hiện tượng phú dưỡng và axit hóa,… [3]

Kết:

Nhựa sinh học được ghi nhận là mang đến nhiều tác động tích cực đến môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng vẫn tồn tại những tác động tiêu cực tiềm ẩn đáng xem xét.