Hotline : 02583 978585

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC HỆ SINH THÁI ĐẤT NGẬP NƯỚC TRÊN TOÀN CẦU

Thứ tư, 18/10/2023, 12:53 GMT+7

Vùng đất ngập nước là một hệ sinh thái riêng biệt được bao phủ hoặc bão hòa bởi nước, hoàn toàn hoặc một phần quanh năm hoặc theo mùa (trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng). Nước ở vùng đất ngập nước có thể là nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn. Đây thường là nước ngầm, thấm lên từ tầng ngậm nước hoặc suối, hoặc cũng có thể đến từ sông hoặc hồ gần đó. Nước biển cũng có thể tạo ra các vùng đất ngập nước, đặc biệt là các khu vực ven biển có thủy triều mạnh. Vùng đất ngập nước là vùng chuyển tiếp. Chúng không hoàn toàn ở trên cạn, cũng không hoàn toàn ở dưới nước, thay vào đó chúng có đặc điểm của cả hai.

Các vùng đất ngập nước có tính đa dạng do sự khác biệt giữa các khu vực và địa phương về đất, địa hình, khí hậu, thủy văn, hóa học nước, thảm thực vật và các yếu tố khác, bao gồm cả sự xáo trộn của con người. Các vùng đất ngập nước tồn tại ở nhiều loại khí hậu, ở mọi châu lục khác nhau, ngoại trừ Nam Cực. Chúng có quy mô khác nhau, từ hốc nước nhỏ biệt lập trên theo nguyên đến những đầm lầy muối khổng lồ. Một số vùng đất ngập nước là rừng ngập nước, đầy cây cối; một số nơi khác giống như đồng cỏ bằng phẳng, ngập nước; trong khi một số khác bị ken chặt bởi rêu dày và xốp. Các vùng đất ngập nước khô hạn theo mùa hoặc có nước chảy chậm thường tạo điều kiện cho cây cối và thảm thực vật cứng cáp. Trong khi, các vùng đất ngập nước bị ngập thường xuyên hơn có rêu hoặc cỏ là thực vật thủy sinh chiếm ưu thế.

Các vùng đất ngập nước bao gồm đầm lầy, đồng cỏ nước, đồng lầy, bãi lầy, hoặc rừng ngập mặn, các loại rừng ngập nước,... Các vùng đất ngập nước có thể hỗ trợ cả các loài sống trên cạn lẫn dưới nước, nhờ khả năng quyết định thảm thực vật xung quanh thông qua độ bão hòa của nó. Sự hiện diện kéo dài của nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thảm thực vật đặc trưng (các loài thực vật thích nghi độc đáo với loại đất thiếu oxy) và thúc đẩy sự phát triển của đất ngập nước đặc trưng. Đây cũng là yếu tố chính giúp phân biệt vùng đất ngập nước với các dạng đất khác trên cạn hoặc vùng nước khác.

Các vùng đất ngập nước đóng góp một số chức năng mang lại nhiều lợi ích cho con người. Các dịch vụ sinh thái của đất ngập nước, bao gồm lọc nước, bổ sung nước ngầm, trữ nước, chống bão lũ/sóng thần,... Chúng được xem là một giải pháp tự nhiên về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong việc thu giữ carbon, giúp giảm ô nhiễm và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Có lẽ vì vậy, các vùng đất ngập nước còn thường được gọi với cái tên là “Những quả thận của Trái Đất”. Chỉ riêng vùng đất than bùn đã lưu trữ lượng carbon gấp đôi so với tất cả các khu rừng trên thế giới cộng lại. (Tuy nhiên, khi bị cạn nước và bị phá hủy, chúng sẽ giải phóng trở lại môi trường một lượng carbon lớn.) Không chỉ vậy, các vùng đất ngập nước được xem là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất về mặt sinh học. Chúng là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật và động vật.

Các vùng đất ngập nước đóng vai trò quan trọng với con người và thiên nhiên. Các hệ sinh thái này mang trong mình những giá trị nội tại, cũng như những đóng góp về nhiều lĩnh vực (môi trường, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa,...) cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Các vùng đất ngập nước còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc làm chậm biến đổi khí hậu, với tư cách là những bể chứa carbon khổng lồ nhất hành tinh.