Hotline : 02583 978585

VAI TRÒ CỦA NHỰA SINH HỌC TRONG VIỆC LÀM GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Thứ tư, 13/12/2023, 11:42 GMT+7

Cùng với sự gia tăng dân số toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, đặc biệt là các loại bao bì và sản phẩm từ nhựa có nguồn gốc hóa dầu. Điều này đồng nghĩa với việc góp phần giải phóng lượng khí nhà kính trong quá trình sản xuất và thải bỏ chúng cũng tăng theo. Trước thực trạng đó, nhựa sinh học đã được khám phá về tiềm năng với tư cách là một giải pháp thay thế bền vững cho nhựa truyền thống trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, thậm chí trung hòa carbon là những ưu điểm vượt trội của nhựa sinh học so với nhựa thông thường.

Nhựa sinh học hầu hết có nguồn gốc từ các nguồn tái tạo, như thực vật, tảo, thậm chí là vi khuẩn. Chính nhờ sự khác biệt ấy giúp nhựa sinh học làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - một nguồn tài nguyên hữu hạn, đồng thời là nguyên nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính. Không chỉ vậy, nhựa sinh học được thiết kế để có khả năng phân hủy sinh học. Điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể phân hủy một cách tự nhiên trong môi trường, cũng như làm giảm lượng rác thải nhựa ra các bãi chôn lấp và đại dương.

Một trong những giai đoạn làm giảm lượng khí thải CO2 là trong quá trình sản xuất. Trong khi nhựa truyền thống được làm từ dầu mỏ và thải ra một lượng CO2 đáng kể vào khí quyển thì nhựa sinh học lại có nguồn gốc tái tạo. Các loài thực vật có khả năng hấp thụ CO2 trong khí quyển thông qua quá trình quang hợp của chúng. Việc sử dụng các loại thực vật này với tư cách là nguồn nguyên liệu tái tạo để sản xuất nhựa sinh học sẽ giúp loại bỏ CO2 khỏi khí quyển, đồng thời lưu trữ lượng CO2 này trong suốt vòng đời sản phẩm. Thậm chí, quá trình cố định CO2 này còn có thể được kéo dài hơn nữa nếu vật liệu được tái chế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhựa sinh học giúp tăng khả năng sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả thông qua chu trình khép kín, đặc biệt đối với các vật liệu được tái sử dụng hoặc tái chế, và cuối cùng là được sử dụng để thu hồi năng lượng (năng lượng tái tạo).

Trong khi nhựa truyền thống có thể mất hàng trăm năm để phân hủy trong môi trường, đồng thời thải ra các khí nhà kính có hại trong quá trình này, thì nhựa sinh học lại có thể phân hủy sinh học nhanh và thải ra ít khí nhà kính hơn trong quá trình phân hủy. Một số loại nhựa sinh học khác còn có thể ủ phân. Điều này giúp làm giảm hơn nữa tác động của chúng đến môi trường.

Theo dự đoán, việc thay thế nhu cầu toàn cầu hằng năm về polyetylen (PE) gốc hóa dầu bằng PE gốc sinh học sẽ giải quyết được hơn 73 triệu tấn CO2.

Nhựa sinh học được xem là một giải pháp tiềm năng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại. Loại nhựa này tỏ ra vượt trội trong việc làm giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, thậm chí là trung hòa carbon.