“Nhiều người đã nghe câu nói của tôi. Bạn có thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới trong khu vườn của bạn. Nhưng có bao nhiêu người hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Tôi đề xuất đó là thực phẩm vườn rừng, chúng sẽ hoạt động ở bất kì nơi đâu. Và hệ thống vườn rừng này mang đến cho chúng ta sự an toàn bền vững trên toàn thế giới. Chúng ta cần mọi người trên thế giới nhận ra rằng, nếu chúng ta đều đồng lòng cùng đi trên con đường này, chúng ta có thể giải quyết vấn đề của thế giới với thực phẩm vườn rừng và cung cấp cho mọi nhu cầu thực phẩm của chúng ta mà không gây ra bất kì nguy hại nào đến cho tự nhiên. Thực tế là, chúng ta - loài người, có thể là nhân tố hữu ích nhất trên hành tinh này.”
(Geoff Lawton – nhà giáo dục, thiết kế, triển khai, thiết lập hệ thống quản lý và phát triển cộng đồng cho nông nghiệp bền vững)
Vườn rừng được đánh giá là một mô hình phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, vai trò tạo ra thực phẩm của vườn rừng còn đóng góp lớn vào việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm rủi ro.
Vườn rừng có tính linh hoạt trong việc thực hiện các dự án nông nghiệp kết hợp canh tác các loại rừng đa chức năng với sử dụng các loại đất khác nhau, từ đó tạo ra các lựa chọn đa dạng và giải pháp sáng tạo cho sinh kế bền vững.
Một số dẫn chứng cho thấy mô hình này mang lại sinh kế bền vững, gắn liền với an ninh lương thực. Đầu tiên, vườn rừng mang đến nhiều lựa chọn thay thế năng suất hơn so với các hệ thống sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông thường. Thứ hai, vườn rừng đem lại tỷ lệ lợi nhuận/chi phí cao hơn so với phục hồi rừng thông thường. Thứ ba, hoạt động sản xuất trong vườn rừng đa dạng hơn nhờ các cách kết hợp trồng xen vụ, thu hoạch quanh năm so với tính thời vụ của hầu hết các hệ thống nông nghiệp thông thường. Mô hình vườn rừng còn cho thấy ưu thế trong việc giảm nguy cơ sâu bệnh và góp phần sản xuất nhiều lương thực và tăng thu nhập ở nông thôn, đặc biệt là từ lâm sản (gỗ, hạt, dầu, trái cây,...).
Mô hình vườn rừng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, đặc biệt là việc tạo sinh kế bền vững cho người nông dân và góp phần vào an ninh lương thực. Chính vì vậy, mô hình nông nghiệp này cần được nhân rộng ra cộng đồng.